1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

"Quái xế" tuổi học sinh gây họa trên đường: Cha mẹ không vô can

Trần Thanh

(Dân trí) - Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, một bộ phận cha mẹ đang buông lỏng việc quản lý con cái mình, họ phó thác con cái mình cho xã hội, bằng việc mua xe mô tô cho con khi chúng chưa đủ tuổi điều khiển.

Thời gian gần đây, dư luận đang rất bức xúc với hành vi của nhiều nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn cho người dân, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT) đã có những ý kiến xung quanh vấn đề này.

Học sinh chưa đủ tuổi vẫn được cha mẹ mua xe mô tô

Theo Đại tá Nhật, hành vi chạy xe lạng lách, đánh võng được xem là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Theo quy định hiện hành, hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt từ 6 tới 8 triệu đồng, mức đề xuất xử phạt mới của Cục CSGT về hành vi trên là từ 8 tới 10 triệu đồng.

Quái xế tuổi học sinh gây họa trên đường: Cha mẹ không vô can - 1

Một trường hợp học sinh chưa đủ tuổi nhưng lấy xe mô tô của bố mẹ để đi học (Ảnh: Trần Thanh).

"Chúng tôi thấy rằng, có một bộ phận phụ huynh đang buông lỏng việc quản lý con cái mình, họ đang phó thác con cái cho xã hội bằng việc mua xe mô tô cho con, mặc dù chúng đang ở độ tuổi THPT.

Ngoài ra, một bộ phận học sinh hàng ngày vẫn đạp xe tới trường, nhưng các em tự tích cóp được tiền, mua xe mô tô gửi ở một nhà nào gần đó, cứ buổi tối lại trốn nhà ra lấy xe để đi chơi với bạn, tham gia những cuộc đua từ lời mời trên mạng xã hội, nhưng cha mẹ phụ huynh không biết", Đại tá Nhật lấy dẫn chứng.

Trước thực trạng nêu trên, Đại tá Nhật cho biết, vừa qua, Cục CSGT thực hiện một đợt cao điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Quái xế tuổi học sinh gây họa trên đường: Cha mẹ không vô can - 2

Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo đó, lực lượng CSGT các địa phương, địa bàn, đến rất nhiều trường học, phối hợp cùng công an phường, xã... để kiểm tra các bãi xe của trường, bãi xe gần trường học, qua đó, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều xe mô tô.

"Khi bị CSGT mời lên nhà trường để làm việc, nhiều phụ huynh đều lấy lý do bao biện cho con em mình như là nuông chiều con cái, nhà xa… nên mới để con em mình điều khiển xe máy", Đại tá Nhật chia sẻ.

Ông Nhật đánh giá, những việc làm nêu trên của các bậc cha mẹ là sự vô trách nhiệm, vô cảm của họ đối với tính mạng của chính con em họ và vô trách nhiệm với xã hội, pháp luật.

Những lý do đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông

Nói về những lý do mà Cục CSGT đề xuất tăng mức xử phạt các lỗi vi phạm giao thông, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, Cục CSGT dựa trên rất nhiều yếu tố, và trong đó, việc nghiên cứu thực tế, thực trạng hoạt động trật tự an toàn giao thông.

Đại tá Nhật lấy ví dụ, tại một nút giao trên đường, ngay cả khi có CSGT, nhưng vào giờ cao điểm, lực lượng chức năng còn đang phải căng mình điều tiết giao thông thì một bộ phận không nhỏ người dân vẫn sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều...

Quái xế tuổi học sinh gây họa trên đường: Cha mẹ không vô can - 3

Phụ huynh đèo theo học sinh quay đầu bỏ chạy khi thấy CSGT (Ảnh: Trần Thanh).

"Họ chỉ vì những lợi ích rất nhỏ trước mắt, vì sự tùy tiện của mình, vì sự tiện lợi của bản thân, mà cho rằng có thể bỏ qua được việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông", Đại tá Nhật nói.

Đại tá Nhật cũng chia sẻ thêm, cũng tại những nút giao đó, tại những khung giờ vắng người qua lại, những lúc không có lực lượng chức năng, người dân vẫn sẵn sàng vượt đèn đỏ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông hết sức đau lòng.

"Không chỉ những hành vi như không chấp hành hiệu lệnh hay đi ngược chiều, mà ở đường phố, ngay cả trên đường cao tốc, những nơi mà các phương tiện được chạy tốc độ cao lên tới 120km/h, người dân vẫn sẵn sàng quay đầu xe, đi ngược chiều, đi lùi xe... thậm chí đi ngược chiều ở làn tốc độ cao nhất.

Chúng tôi nghĩ rằng, một bộ phận những người tham gia giao thông không có ý thức, đấy là tình trạng đáng báo động, tình trạng này cần phải được tổ chức thiết lập kỷ cương, ngăn chặn kịp thời, không để những hành vi này có thể tiếp tục nảy nở, phát triển", Đại tá Nhật chia sẻ thêm.

Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 do báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện sẽ bước vào các vòng chung khảo, chung kết trong các tuần tới và dự kiến sẽ trao giải vào cuối tháng 11 này.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Đồng hành cùng Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 có đơn vị tài trợ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng các đơn vị tư vấn chuyên môn đến từ nhiều trường đại học và các chuyên gia ngành giao thông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm