Cư dân xóm chạy thận kiệt sức chống chọi với nắng nóng 40 độ C
(Dân trí) - Dưới cái nắng nóng như thiêu đốt hơn 40 độ C, nhiều bệnh nhân ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (Hà Nội) đang phải chống chọi từng ngày với bệnh tật và nắng nóng trong những căn phòng trọ rộng chưa đầy 5m2...
Nắng nóng quá không dám đi nhặt ve chai
Tại xóm chạy thận Lê Thanh Nghị hiện có hơn 121 bệnh nhân với khoảng 70 căn phòng trọ, phòng nhỏ nhất chưa đầy 5m2 mà rộng nhất cũng chỉ vỏn vẹn 8m2, vừa là chỗ nghỉ ngơi đủ kê một chiếc giường nhỏ, bếp nấu ăn và đồ đạc trong phòng.
Những ngày nắng nóng cực điểm gần đây, thời tiết có lúc lên tới 40 độ C, khu bệnh nhân chạy thận càng vắng người, bệnh nhân dùng đủ mọi cách để chống chọi với cái nắng nóng cực đoan.
Trong căn phòng rộng chưa đầy 5m2, bà Nguyễn Thị Luyến (49 tuổi, Bắc Giang) ngồi thở gấp gáp, mồ hôi vã ra ướt đầm chiếc áo đang mặc, bà dùng tay dấp nước trong chậu vào chiếc khăn rồi trùm lên đầu.
"Mấy hôm nay nắng nóng quá, phòng trọ lại lợp bằng tấm tôn, nên ban ngày ở trong phòng ngột ngạt không thể ngủ nổi, tới tận đêm mới có thể chợp mắt được tí chú ạ. Nắng nóng, đến cả bát cơm nấu xong ăn cũng không nuốt nổi, ăn được một tí rồi lại ngồi thở vì sáng vừa đi chạy thận ở bệnh viện về" - bà Luyến vừa nói vừa chỉ tay vào bát cơm đang chan canh dở đặt trước mặt.
Nhà neo người lại ở xa nên vài tháng bà Luyến về nhà một lần vì tiền tàu xe đi lại tốn nhiều. Bà kể mỗi lần về mất ít nhất là 300.000 đồng, tiền chi tiêu cả tháng ăn ở phải mất đến 4 triệu, nếu không có bảo hiểm thì phải mất đến 15 triệu/ tháng. Nên nhà có công việc gì gấp lắm thì mới dám về, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
"Tôi chạy thận ở đây được 8 năm rồi, một tuần chạy 3 lần, vì chi tiêu ở Hà Nội đắt đỏ nên hàng ngày, tranh thủ những hôm không đi chạy thận là tôi lại đi nhặt nhạnh vỏ chai, đồng nát rồi đem bán kiếm thêm ít tiền để mua rau, có hôm thì được vài chục, nhưng có hôm thì cũng chỉ được mấy đồng. Những ngày nắng nóng như này thì tôi không đi nhặt nữa vì nếu ốm ra đấy thì tiền nhặt ve chai cũng không đủ để mua thuốc uống" - bà Luyến tâm sự.
Dùng đủ mọi cách để chống nóng
Sống cách phòng trọ bà Luyến không xa là gia đình anh Phạm Duy Tha, 34 tuổi (Hà Nam), cả gia đình bé nhỏ của anh gồm 3 người, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hiền, 32 tuổi và con trai duy nhất của anh là cháu Phạm Hoàng Quân, năm nay mới tròn 10 tuổi nhưng cũng đang bị mắc bệnh về thận.
Căn phòng trọ rộng chưa đầy 7m2 của gia đình anh Phạm Duy Tha đang là chỗ trú cho 3 người, nắng nóng cực điểm khiến gia đình kiệt sức. (Ảnh: Trần Thanh)
Ngồi nép trong góc phòng trọ rộng chưa đầy 7m2, anh Tha cho biết, gia đình nhỏ của anh chuyển vào ở trong xóm chạy thận này cũng được 6 năm trời.
"Tôi với Hiền lấy nhau từ những năm 2007, sống ở dưới quê Hà Nam, đến năm 2012 tôi bị mắc bệnh nên phải chuyển lên đây để tiện cho việc chữa trị. Vợ tôi lên đây xin làm nhân viên quét dọn trong bệnh viện, mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng, nhưng cũng chẳng đủ chi tiêu cho cả nhà hàng tháng nên cuộc sống rất khó khăn" - anh Tha chia sẻ.
Chạy thận suốt 6 năm nay nhưng anh Tha cùng gia đình mình nói vẫn không tài nào chống chịu được cái nắng ở Hà Nội.
Anh kể, nhiều năm nay nắng nóng, nhưng chưa năm nào thời tiết lại khắc nhiệt như những ngày này, căn phòng trọ chật hẹp mà tới 3 người ở, nhưng trong phòng chỉ có duy nhất 1 chiếc quạt nhỏ treo góc nhà. Anh Tha bảo đây là cái quạt duy nhất trong nhiều năm qua để giúp gia đình anh chống chọi với cái nắng nóng.
Bà Lê Thị Dung, 60 tuổi (Nam Định) sống trong xóm chạy thận gần 7 năm cho biết, cuộc sống của bệnh nhân tại xóm chạy thận như bị đảo lộn từ khi đợt nắng nóng này diễn ra.
"Phòng trọ của tôi có 3 người nhưng rộng vỏn vẹn chỉ có chưa đầy 9m2, mấy ngày hôm nay nắng nóng, phòng chật hẹp nên lúc nào cũng hầm hập như cái lò vậy. Có những hôm chạy thận về vừa mệt vừa yếu muốn ngủ một tí nhưng không tài nào ngủ nổi, nằm xuống giường nhưng cứ phải chằn chọc đến gần sáng mới có thể chợp mắt được tí" - bà Dung kể.
Chia sẻ kinh nghiệm chống nắng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, bà Dung cho biết, bà phải dùng nhiều chậu nước nhỏ để đặt trong phòng, đặt trước quạt gió để hơi nước bốc lên sẽ dễ chịu hơn, ngoài ra bà Dung còn dùng gáo nước hắt vào mái và tường của phòng trọ để giảm nhiệt độ.
Trần Thanh