1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cao Bằng:

Xôn xao đồn thổi chuyện mó nước “hiểu tiếng người”

(Dân trí) - Anh bạn tôi đưa tờ 10.000đ cho một ông già người địa phương: “Ông ơi, ông làm ơn giúp cháu gọi nước về với”. Ông cụ nhảy xuống cạnh mó nước, đọc to câu “thần chú” dài, đọc đi đọc lại đến 10 lần, vang cả một góc rừng mà chẳng thấy nước lên.

Sau khi có một tờ báo phát hành ngày 21/10/2009 đăng bài “Mó nước hiểu tiếng người”, kể về mó nước lạ Rằng Phặc ở xã Hồng Quang, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) hễ nghe thấy ai đọc câu “thần chú” là nước dâng lên “ào ạt”, mỗi ngày có tới vài trăm người từ đủ mọi nơi tìm về đây để được “mục sở thị” giếng nước kỳ bí.

 

Rằng Phặc giống như một cái ao cạn rộng khoảng 100m2, ở đáy ao có một rốn nước to khoảng bằng chiếc mâm. Phía bên phải rốn nước là một vách đá cao khoảng hơn 1m có vài cây tạp mọc lưa thưa. Xung quanh mó nước hầu như lúc nào cũng có chừng vài chục người vây quanh. Đa số họ là dân ở các huyện lân cận, còn lại là khách du lịch tới xem “mó nước kì lạ”.
 

Xôn xao đồn thổi chuyện mó nước “hiểu tiếng người” - 1

Ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang đến vỗ tay, đọc "thần chú" gọi nước về. (Ảnh: CAND)

 

Anh Dương Văn Quân, quê Nam Trực, Nam Định mệt mỏi nói với chúng tôi: “Nghe báo viết là chỉ cần hô to hoặc đọc thần chú là nước đùn ra ào ạt, cuồn cuộn. Vậy mà bọn em đứng đây cả tiếng đồng hồ rồi, nhờ người dân gọi mãi mà chẳng thấy nước ra”. Anh Quân vừa dứt lời, có tiếng một người hô to: “Nước ra kìa, ra kìa”. Cả mấy chục con mắt đổ hết về phía mó nước. Quả là nước đang dâng lên thật, nhưng nhè nhẹ, từ từ chứ không hề ào ạt. Theo quan sát, nước ở mó dâng khoảng 2 đốt tay rồi lại từ từ rút xuống, rồi lại dâng lên cứ như thế khoảng 3- 4 lần là kết thúc. Chỉ có điều những lần dâng sau bao giờ cũng chậm và ít hơn lần đầu.

 

Anh bạn tôi là Nguyễn Mạnh Cường, quê tận Mỹ Đức, Hà Nội, sau khi đọc bài báo viết về mó nước kì lạ đã vượt mấy trăm cây số lên tận Cao Bằng xem. Anh rút tờ 10 ngàn trong túi đưa cho một ông già người địa phương, bảo: “Ông ơi, ông làm ơn giúp cháu gọi nước về với”. Chẳng ngần ngại ông cụ nhảy xuống cạnh mó nước và đọc to “thần chú”: “Tý Xằm, tý Sọi, tý Mọi, lặc ngần, lặc sèn, au lẹo nớ, mà chẳng lớ” (Dịch chính xác là: “Con Xằm, con Sọi, con Mọi ơi! có kẻ đến lấy cắp hết vàng bạc rồi lớ, về giữ lấy lớ!”. Câu “thần chú” được ông cụ đọc đi đọc lại đến 10 lần, vang cả một góc rừng nhưng chẳng thấy nước nước lên. Như để thanh minh, ông cụ ngồi phệt xuống mỏm đá và nói thều thào: “Gọi nhiều quá 3 cô mệt không ra nữa rồi”. Có lúc không ai gọi nước cũng lên. Mỗi lần như vậy hàng chục người đứng quanh mó nước lại xôn xao, tiếng gọi, tiếng đọc “thần chú” nhốn nháo cả một vùng rừng núi.
 
Xôn xao đồn thổi chuyện mó nước “hiểu tiếng người” - 2
Toàn cảnh mó nước Rằng Phặc. (Ảnh: CAND)

 

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy nước ở Rằng Phặc là tự lên, tự xuống. Tiếng gọi, tiếng động lạ chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên, không hề có chuyện “mó nước hiểu tiếng người” hay “mó nước biết vâng lời” như dư luận xôn xao đồn thổi. Có rất nhiều cách giải thích khác nhau về hiện tượng này, tuy nhiên chưa có cách giải thích nào thoả đáng. Có người cho rằng đây là do tác động của sóng cơ học, rồi tác động của sóng âm tạo nên áp suất để đẩy nước. Cũng có người giải thích là do bong bóng khí bị vỡ làm xao động lòng sông ngầm nên làm nước dâng lên.

 

Tất cả những câu chuyện kỳ bí thêu dệt quanh mó nước chỉ khổ cho người dân địa phương hàng ngày phải đi lại trên con đường bụi mù do những đoàn xe của khách hiếu kì gây ra; khổ cho mấy bậc phụ huynh suốt ngày phải đi tìm bọn trẻ luôn tìm cách trốn việc nhà để tụ tập ở mó nước, chờ nhận tiền rồi “gọi nước” giúp khách tham quan.

 

Câu “thần chú” gọi nước xuất thân từ chuyện kể về “huyền thoại” Rằng Phặc: Đời xưa, có người đem vàng bạc đựng vào 3 chiếc hòm to chôn giấu dưới lòng hang, rồi bắt 3 cô gái đồng trinh tên là Xằm, Sọi, Mọi về chôn sống làm thần giữ của. Hễ nghe thấy tiếng động của kẻ cắp là 3 cô dâng nước lên để dìm chết những kẻ tham lam. Mặc dù không có kẻ cắp nhưng hễ nghe thấy tiếng dân làng truy hô là 3 cô cũng dâng nước lên, tục gọi nước phát sinh từ đây. Đây thực sự chỉ là tích chôn vàng bạc và thần giữ của được các thầy mo, thầy tào của địa phương dựng lên để giải thích hiện tượng lạ này. Tất cả xin hãy chờ vào kết luận của các nhà khoa học.

 

Mạnh Hà

 TTXVN