1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Xóm vạn đò buồn tủi giữa dòng sông và những cái Tết không nhà

(Dân trí) - Mùa xuân đã cận kề, trong khi mọi người đang tất tả ngược xuôi để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán thì ở xóm vạn đò thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, không khí ảm đạm, đìu hiu vẫn đang bao trùm. Với những cư dân ở xóm chài nghèo này, Tết không nhà đã theo họ hàng chục năm nay. Giấc mơ được một lần lên bờ đón Tết đầm ấm ngày càng trở nên quá xa vời.

Cuộc sống bấp bênh của những gia đình ở xóm vạn đò

Lênh đênh kiếp vạn đò

Thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) được bao bọc bởi sông Gianh và sông Son, tứ bề là nước. Ở đây không có đất nông nghiệp nên người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Toàn thôn hiện có gần 800 hộ dân, trong đó có hơn 100 hộ hiện không có đất ở và đang phải sống kiếp vạn đò, lênh đênh trôi nổi trên những chiếc đò nhỏ giữa dòng sông.

Chúng tôi đến thăm xóm vạn đò trong một chiều giáp Tết, cái rét cắt da, cắt thịt của những ngày cuối đông càng khiến xóm vạn đò Văn Phú đìu hiu hơn. Vượt qua chiếc cầu khỉ ọp ẹp được đóng tận dụng từ những mảnh gỗ đã mục nát, chúng tôi tiến về phía những con đò nhỏ đang được quây kín bằng những mảnh bạt cũ kỹ, neo sát chân cầu.

Xóm vạn đò thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình
Xóm vạn đò thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình

Nghe tiếng khóc trẻ con vang lên từ chiếc đò nằm sát chân chiếc cầu khỉ, chúng tôi liền bước tới hỏi thăm. Thấy khách lạ, một người phụ nữ lồm cồm bò ra từ trong khoang đò để đón khách. Chị là Hoàng Thị Nga (SN 1989), một cư dân của xóm vạn đò.

Chị Nga tiếp chúng tôi trên con đò chưa đầy 20m2 là nơi trú ngụ của gia đình 4 người. Nhìn người phụ nữ trẻ và 2 đứa con nheo nhóc, mặt mày hốc hác, quần áo xộc xệch đang khóc xé lên vì lạnh, khách lạ cũng không khỏi chạnh lòng.

Vợ chồng anh Hoàng Lịch đã có 20 năm sống lênh đênh trên sông
Vợ chồng anh Hoàng Lịch đã có 20 năm sống lênh đênh trên sông

Cuộc sống của gia đình chị Nga cũng lam lũ như bao gia đình trên cái xóm vạn đò này. Vốn sinh ra và lớn lên cũng trên những chiếc đò bên dòng Gianh, hoàn cảnh khó khăn nên khi đến với nhau, anh chị cũng chẳng thể thoát ra được kiếp vạn đò.

“Sống kiếp thuyền bè, nổi trôi ri cực lắm nhưng vì hoàn cảnh nên đành chấp nhận thôi chứ biết mần răng. Ở cái xóm đò ni, ai chẳng mong một ngày được lên bờ, được ở trong căn nhà kiên cố, ấm cúng, những khổ nỗi khó mà thành hiện thực. Vợ chồng tui sống nhờ con tôm, con cá cũng qua ngày chứ mô dám nghĩ đến đất đai, nhà cửa. Tui chỉ mong tương lai con cái sẽ có cuộc sống tốt hơn, không mờ mịt như bố mẹ nó”, chị Nga tâm sự.

Ở xóm vạn đò thôn Văn Phú, rất khó để đánh giá ai nghèo khổ hơn ai bởi tất thảy mấy chục hộ gia đình với hàng trăm con người đều như nhau, sống bám vào sông. Từ miếng cơm, manh áo đến cọng rau, viên thuốc… trông cả vào mấy con cá, con tôm được quăng vớt từ dưới dòng sông.

Khát khao thoát phận Tết không nhà

Rời con đò chông chênh của gia đình chị Nga, chúng tôi tiếp tục ghé vào chiếc đò của vợ chồng anh Hoàng Lịch và chị Hoàng Thị Tâm. Con đò rộng chưa đầy 30m2 chẳng có gì giá trị ngoài mấy bộ quần áo vắt trên dây này là nơi sinh sống suốt 20 năm qua của gia đình anh chị.

“Lại một cái Tết nữa đến rồi chú ạ, người ta Tết thì vui, những gia đình ở cái xóm vạn đò này Tết lại buồn. Ở đây Tết cũng như ngày thường thôi, khó khăn nên chẳng mua được chi ngoài mấy cái gói kẹo cho bọn trẻ. Nhìn người ta đi chơi Tết, qua nhà này, nhà khác chúc nhau mình cũng thèm lắm, nhưng biết răng được”, anh Lịch buồn bã thở dài rồi đánh ánh mắt đăm chiêu về phía đất liền.

Xóm vạn đò buồn tủi giữa dòng sông và những cái Tết không nhà - 3
Hàng chục năm qua, nhiều người dân ở xóm vạn đò vẫn sống cảnh Tết không nhà
Hàng chục năm qua, nhiều người dân ở xóm vạn đò vẫn sống cảnh Tết không nhà

Sống kiếp vạn đò, khó khăn chồng chất nên tương lai của chính những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên những con đò này cũng mờ mịt. Cái sự học cũng trôi nổi dập dềnh như con đò.

Tết với những đứa trẻ nơi đây dường như là một thứ gì đó quá xa xỉ, bởi chúng chưa bao giờ dám mơ đến một bộ quần áo đẹp ngầy đầu năm. Chưa bao giờ được đắm mình trong những cuộc du xuân hay chúc Tết chòm xóm, người thân, bạn bè.

“Các bạn em có nhà nên Tết các bạn đến chơi vui lắm, em thì chẳng bao giờ có thể mời các bạn đến nhà chơi Tết bởi gia đình em không có nhà. Gia đình em nghèo nên cũng chẳng biết làm sao cả. Em chỉ mong ba mẹ cho em học hành, để sau này em có được công việc, có thể giúp ba mẹ và cả bản thân thoát ra khỏi cuộc sống lênh đênh này”, em Hoàng Thị Mỹ Dung buồn tủi.


Sống lênh đênh trên những chiếc đò, tương lai những đứa trẻ ở xóm vạn đò cũng trôi nổi, bập bềnh như những con đò.

Sống lênh đênh trên những chiếc đò, tương lai những đứa trẻ ở xóm vạn đò cũng trôi nổi, bập bềnh như những con đò.

Với anh Lịch, chị Nga và cả cô học trò Mỹ Dung cũng như nhiều thế hệ ở xóm vạn đò thôn Văn Phú này, khát khao lớn nhất của họ là một ngày được lên bờ, có một công việc ổn định, con cái được học hành và không còn phải lênh đênh, nổi trôi theo dòng nước; mãi mãi thoát khỏi kiếp vạn đò, thoát khỏi những cái Tết không nhà buồn hơn ngày thường...

Quần áo Tết và ước mơ xa vời của những đứa trẻ xóm vạn đò

Sinh ra và lớn lên trên sông nước, cùng ba mẹ sống kiếp vạn đò nên những đứa trẻ xóm chài tại thôn Văn Phú, xã Quảng Văn chịu rất nhiều thiệt thòi. Các em thiếu thốn từ quần áo đến đồ dùng, sách vở phục vụ học tập.

Chia sẻ với chúng tôi, em Hoàng Quang, một đứa trẻ tại xóm vạn đò cho biết, đồ dùng học tập của các em hầu hết là đi xin lại. Với Quang cũng như nhiều đứa trẻ khác ở xóm chài này, khái niệm quần mới đón Tết dường như chỉ nằm trong tiềm thức.

“Tết về các bạn đều có quần áo mới cháu không có cũng buồn lắm chú ạ, nhưng nhà cháu nghèo nên đành phải chịu. Năm trước cháu được anh chị đoàn viên tặng một chiếc áo khoác nhưng chỉ để giành Tết mặc để đến nhà bạn chơi, chứ mặc là cũ mất”, Quang tâm sự.

Tết đã cận kề, có tuổi thơ nào không trông mong một bộ quần áo mới? Những đứa trẻ xóm vạn đò Văn Phú cũng không phải là ngoại lệ. Thế nhưng ở cái nơi mà hầu hết các gia đình đều đang phải chạy ăn từng bữa, thì áo quần mới cho mấy ngày Tết có lẽ chỉ mãi là ước mơ.

Tiến Thành - Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm