1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Xóm "ở nhờ" bên sông Bùng

(Dân trí) - Gọi là xóm ở nhờ vì 37 hộ gia đình với 162 nhân khẩu thuộc xóm 8, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An hàng chục năm nay phải sống nhờ đất của các xã lân cận. Trong đó có hơn nửa số hộ sống trên đất của một xã khác huyện.

Xóm "ở nhờ" bên sông Bùng - 1
Ông Nguyễn Đức Thành - thôn trưởng thôn Tân Thủy cho biết: “Chúng tôi đã lên bờ từ đời ông cố, đến giờ cũng không ai nhớ nổi năm nào. Chỉ biết rằng, ngày xưa người dân xóm tôi làm nghề chài lưới, thấy mô đất cao nên lên bờ dựng nhà sinh sống..."
 
Dở khóc dở cười tìm tên thôn

Chưa bao giờ chúng tôi lại vất vả khi tìm về thôn Tân Thủy (Ba Giai) đến thế. Chính người trong xã cũng không biết đến cái xóm Tân Thủy là xóm nào, chưa hề biết xã mình có tên xóm như trong câu hỏi nên mọi sự trợ giúp của người đi đường đã làm chúng tôi lặn lội cả giờ đồng hồ.

Men theo đê sông Bùng chúng tôi đến với xóm Tân Thủy, nay là xóm 8, xã Diễn Nguyên. Đến đây mới biết chỉ 37 hộ gia đình với 162 nhân khẩu nhưng sinh sống  trênmột vùng đất ven sông rộng lớn. Trong 37 hộ dân ấy thì có 27 hộ sống trên đất xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, 3 hộ dân sống trên đất của xã Diễn Minh, 5 hộ sống trên đất xã Diễn Bình, còn lại là mấy hộ lèo tèo nằm rải rác trên đất Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu.
Xóm "ở nhờ" bên sông Bùng - 2
Xóm Tân Thủy tọa lạc bên sông Bùng, được mệnh danh là xóm ở nhờ.

Theo những người dân nơi đây cho hay, họ là người xã Diễn Nguyên và đã thành lập thôn từ cách đây 15 năm nhưng đối với người ngoài, họ chỉ là những hộ dân vạn chài lên bờ trú tạm. Ông Nguyễn Đức Thành (54 tuổi), thôn trưởng thôn Tân Thủy cho biết: “Chúng tôi đã lên bờ từ đời ông cố, đến giờ cũng không ai nhớ nổi năm nào. Chỉ biết rằng, ngày xưa người dân xóm tôi làm nghề chài lưới, thấy mô đất cao nên lên bờ dựng nhà sinh sống. Những năm gần đây, xóm Tân Thủy có tên trong danh sách của xã Diễn Nguyên với đơn vị hành chính là xóm 8 nhưng ra đường chúng tôi luôn bị xem là những không thôn, không xóm và không thuộc xã nào”.

Chính vì lý do sống rải rác trên một địa bàn rộng, lại biệt lập với các địa bàn dân cư lân cận nên họ như những con thoi bị đẩy qua, đẩy về và không được thừa nhận.

Ông Cao Xuân Mai, chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên cho biết: “Vì xóm Tân Thủy sống trên địa bàn 4 xã của hai huyện (Diễn Châu và Yên Thành) nên quản lý đất đai thuộc về huyện Yên Thành còn về dân số và các vấn đề khác thuộc về huyện Diễn Châu. Để giúp nhân dân sinh hoạt, UBND xã đã chia Tân Thủy thành xóm 8 tuy nhiên trên thực tế xóm 8 vẫn chỉ ở mức độ quản lý của xã, còn ở huyện Diễn Châu thì chưa hề có tên trong danh sách”. Ông Mai cho biết thêm, xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh để thành lập thôn nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Xóm "ở nhờ" bên sông Bùng - 3
Đa phần người dân sống bằng nghề chài lưới bên Sông Bùng

Trăm ngả thiệt thòi

37 hộ dân thuộc thôn Tân Thủy đều là bần nông. Cuộc sống của họ đa phần làm nghề chài lưới, đánh bắt tôm cua trên sông Bùng để kiếm sống. Những năm gần đây, tôm cá cạn kiệt nên cuộc sống của những người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại thêm khó khăn.

Tuy vào danh sách hành chính thuộc xóm 8 xã Diễn Nguyên nhưng đất sản xuất cũng lèo tèo vài ba hộ được cấp. Theo ông Thành trưởng thôn thì trong tổng số 37 hộ dân chỉ có 10 hộ được cấp đất sản xuất, hộ nhiều nhất cũng chỉ 3 sào ruộng nên quanh năm khó khổ không đủ ăn. Phần còn lại, để có cái ăn cái mặc, họ phải chạy vạy ngược xuôi người đi đánh cá, người làm phu hồ.
Xóm "ở nhờ" bên sông Bùng - 4
Ông Thành chỉ tay về vùng đất sản xuất mà người dân được cấp chỉ lèo tèo mấy thửa ruộng ven sông

Những hộ dân không được cấp đât sản xuất thì chấp nhận chịu đói hoặc xin đất, thuê đất để sản xuất. Ông Nguyễn Đức Tưởng là người dân thôn Tân Thủy nhưng sống trên đất xã Diễn Minh cho biết: “Nghe xã cấp đất sản xuất nhưng chúng tôi chưa bao giờ được nhận. Đất lúa hiện tại chúng tôi đang làm là đất của xã Diễn Minh cho mượn. Bây giờ nếu họ lấy lại thì không biết sống sao đây!?” Còn 27 hộ dân sống trên đất Yên Thành thì phải xin đất nông nghiệp xã Nhân Thành để sản xuất.

Sống nhờ trên đất của các xã lân cận nên việc được cấp quyền sử dụng đất đối với người dân nơi đây chưa bao giờ có. Anh Nguyễn Văn Y, một người định cư trên đất xã Nhân Thành cho hay: “Từ đời ông, đời cố tôi tới giờ chỉ biết làm nhà để ở còn về sổ đỏ thì chưa bao giờ có. Nếu xã Nhân Thành lấy lại đất thì chúng tôi cũng chẳng biết đi đâu. Người có tiền thì mua đất còn như mình làm chưa đủ ăn lấy đâu ra tiền để mua!”.

Không chỉ đất sản xuất, đất ở mà họ còn phải gánh chịu thêm nhiều thiệt thòi. Để có điện sinh hoạt họ phải gom tiền mua dây, xin kéo từ các xã lân cận. Còn như sinh hoạt các tổ chức xã hội khác thì chưa bao giờ được gia nhập. “Có nhiều lúc con đi học, nhà trường bắt chuyển phiếu sinh hoạt Đoàn từ địa phương lên để vào danh sách Đoàn đội nhưng vì ở thôn chưa bao giờ được kết nạp nên không biết phải làm sao” - Chị Nguyễn Thị Tình tâm sự.
Xóm "ở nhờ" bên sông Bùng - 5
Xây nhà định cư trên đất xã Nhân Thành, huyện Yên Thành

Không chịu được cảnh khổ sở, thiệt thòi, nhiều hộ dân đã bỏ làng, bỏ xóm đi xa lập nghiệp. Cứ theo lời ông trưởng thôn Nguyễn Đức Thành thì trước đây, xóm Tân Thủy hơn 100 hộ nhưng họ đã bỏ đi xây dựng cuộc sống ở nhiều nơi. Nay cả thôn chỉ còn lại 37 hộ sống thoi thóp trong đói khổ.

Về vấn đề đất sản xuất, ông Mai cho biết: “Nếu muốn cắt đất sản xuất thì phải họp và chia lại theo dân số trong xã. Hơn nữa, vì xóm Tân Thủy ở cách trung tâm 2km nên nếu có chia họ cũng không thể đi làm vì quá xa!? Về các vấn đề khác thì cần thiết phải có tên Tân Thủy trong quản lý hành chính của huyện, tỉnh”.
 
Minh Hậu - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm