1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Dương:

“Xoá sổ” trên 140 lò gạch gây ô nhiễm tại Bình Dương

(Dân trí) - 142 lò gạch sử dụng kiểu lò nung theo công nghệ nung liên tục với buồng đốt di động của Đức (lò gạch Hoffman) tại Bình Dương sẽ phải ngưng hoạt động từ ngày 30/6/2014.

Chiều 13/6, UBND tỉnh Bình Dương đã ra thông báo về việc chếm dứt hoạt động của 107 cơ sở sản xuất gạch Hoffman với 142 lò gạch đang hoạt động. Tính đến ngày 10/6, đã có 105/107 cơ sở đã chấp thuận, ký cam kết thời gian và chuẩn bị chờ ngưng hoạt động, hơn 4.600 lao động làm việc tại các lò gạch này cũng đang chờ đợi hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ phía tỉnh Bình Dương.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, các cơ sở sản xuất gạch Hoffman nêu trên có nhiều vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kinh doanh không phép, sai phép; xây dựng không phép, sai phép; vi phạm quy hoạch ngành nghề sản xuất công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường…

Những lò gạch gây ô nhiễm sẽ bị xoá sổ 
Những lò gạch gây ô nhiễm sẽ bị "xoá sổ" 

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Chủ trương, lộ trình chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman của tỉnh là có cơ sở pháp lý gắn với chính sách phát triển vật liệu xây dựng không nung và hạn chế, chấm dứt công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Qua khảo sát, đoàn công tác đã đưa ra nhận định: Các lò sản xuất gạch hoffman không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, an toàn và sức khỏe cho người lao động…”

“Quyết định chấm dứt hoạt động các lò gạch này theo đúng lộ trình đã được gia hạn và hạn cuối là ngày 30/6. Việc để các lò gạch xây dựng, hoạt động không phép… là có phần thiếu sót, chưa quyết liệt của cơ quan chức năng địa phương” – Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm khẳng định.

Trước nỗi lo thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của hơn 4.600 lao động nghèo làm việc tại các lò gạch Hoffman, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, sở đã phối hợp với các địa phương để chuyển đổi ngành nghề cho người lao động thông qua việc dạy nghề cho lao động nông thôn, tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Đối với doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội thì người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, còn ngược lại thì doanh nghiệp phải trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Đối với các lò gạch bị “xoá sổ”, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: Tỉnh sẽ hỗ trợ các cơ sở chuyển đổi công năng, chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp với các quy hoạch của địa phương; trong đó cân đối công suất để tiến tới chuyển sang vật liệu xây dựng không nung.

Trung Kiên