1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xin lỗi thế nào để tránh bêu rếu người mua bán dâm lần thứ hai?

Việc xin lỗi người mua bán dâm bị bêu rếu trên phố ở Phú Quốc là cần thiết nhưng cần cân nhắc để tránh bêu rếu họ lần thứ hai.

Trong cuộc họp báo định kỳ sáng 1/2, Đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, thông tin về clip ghi cảnh Công an thị trấn Dương Đông bêu tên người mua bán dâm giữa đường.

Đại tá Lưu Thành Tín thông tin với báo chí tại cuộc họp báo: “Chúng tôi yêu cầu tổ xác minh báo cáo toàn bộ vụ việc trong vòng 10 ngày tới. Ngay sau khi có kết quả xác minh, Công an thị trấn Dương Đông sẽ tổ chức xin lỗi những người bị bêu xấu trên lề đường và phải chịu xử lý về mặt trách nhiệm theo đúng mức độ vi phạm”.

Hình ảnh người mua bán dâm bị bêu rếu tên được người dân ghi lại
Hình ảnh người mua bán dâm bị bêu rếu tên được người dân ghi lại

Ngày 2/2, trả lời VOV.VN, luật sư Hoàng Minh Hiển – Văn phòng Luật sư Bắc Hà cho rằng, việc làm của công an ở Phú Quốc là vượt quá quyền hạn. Việc xin lỗi là cần thiết nhưng cần cân nhắc để tránh bêu rếu tên người mua bán dâm lần thứ hai.

Ông Hiển đưa quan điểm cho rằng, việc xin lỗi ở trụ sở công quyền với sự có mặt của cơ quan chức năng và công an là đủ. “Vấn đề này liên quan đến danh dự, nhân phẩm của người mua và người bán nên cần thiết phải xin lỗi kín”, luật sư nêu quan điểm.

Vấn đề liên quan, ông Hoàng Minh Hiển cho hay, bên cạnh tổ chức xin lỗi thì cũng phải xử lý trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ đã có hành vi bêu tên người mua bán dâm trên phố.

“Đây là lời cảnh tỉnh cho cơ quan chức năng để tránh tình trạng lạm quyền khi thực hiện cách hành vi vượt quá quy định của pháp luật cho phép”, luật sư nói.

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng, đầu tiên cần phải khẳng định, việc xử phạt hành chính đối với những người có hành vi mua, bán dâm hoặc môi giới, chứa chấp mại dâm mà Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc đã thực hiện là cần thiết, đúng pháp luật, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên hành động "bêu tên" người vi phạm trước bàn dân thiên hạ lại không phải là một trong những biện pháp xử lý được pháp luật cho phép, nếu không muốn nói là nghiêm cấm.

Đối với việc Công an tỉnh Kiên Giang đang lên kế hoạch xin lỗi, theo luật sư Thanh đấy là việc làm thể hiện sự cầu thị, tôn trọng quyền con người của công an tỉnh.

Rõ ràng là với cách thức xử lý người vi phạm của Công an thị trấn Dương Đông, những người vi phạm pháp luật đã bị xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm.

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Như vậy có nghĩa là những người bị Công an thị trấn Dương Đông bêu tên có quyền yêu cầu cơ quan công an này bồi thường.

Tất nhiên, có thể việc yêu cầu bồi thường sẽ không xảy ra, bởi lẽ những người bị bêu tên sẽ không muốn tên tuổi, địa chỉ của mình xuất hiện thêm lần nào nữa.

Về cách thức xin lỗi, theo luật sư cơ quan công an tỉnh Kiên Giang sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp chứ không thể xin lỗi theo hình thức mà công an thị trấn Dương Đông đã làm khi xử lý vi phạm vì xin lỗi theo kiểu đó không khác gì lại xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người vi phạm một lần nữa.

Việc xin lỗi nên tổ chức kín rồi sau đó thông báo tới chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông. Như vậy vừa đảm bảo được sự cầu thị, mong muốn khắc phục hậu quả, vừa giúp người vi phạm phần nào giảm đi sự xấu hổ, ê chề.

Liên quan vấn đề này, có ý kiến cho rằng, việc xin lỗi chỉ nên thực hiện giữa cơ quan công an và những người bị bêu tên, vì đây là vấn đề tế nhị. Vấn đề là cơ quan công quyền rút ra bài học gì từ vụ việc này.

Theo Việt Đức
VOV