Xin gửi gạo, muối đến đồng bào Rục!
Đã tròn một tuần, đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa bị cơn lũ cô lập hoàn toàn. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra đối với đồng bào Sách, Mày, Khùa ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa của huyện Minh Hóa, Quảng Bình thuộc biên giới Việt - Lào.
Chưa một nỗ lực bên ngoài nào có thể tiếp cận được với họ, trừ những chiến sĩ biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng sống với đồng bào. Cái đói, cái rét, thiếu cơm, nhạt muối đang bao phủ ánh mắt cầu cứu của người dân.
Đói cơm, nhạt muối
Hôm qua, khi dòng Rào Nan rút bớt nước lũ, chúng tôi đi trên chiếc ca nô máy nhỏ hẹp về thăm đồng bào. Hành trang mang theo chỉ mấy phong lương khô cùng ít mì tôm phòng thân.
Ghé vào xóm nhỏ ở núi A Dăng, người dân chạy túa ra nước mắt lưng tròng. Cao Nhịn rớm nước mắt như trách móc: “Sao cán bộ bây chừ mới tới. Bà con chẳng còn chi ăn. Cái chi cũng trôi hết rồi, nồi nấu cơm, cái bát, đôi đũa cũng bị mất tích rồi. Răng rứa? Răng bây chừ cán bộ mới lên?”. Chúng tôi lặng người chẳng giải thích được gì.
Nhà Cao Nhịn hiện chỉ còn măng tươi và nấm rừng hái vội từ sớm đang nấu canh trong cái chảo để lót dạ cho cả nhà gần 10 miệng ăn.
Khi lương khô mang theo chẳng còn, người muốn có cái ăn thì ngày một nhiều, tiền đưa cho, họ chẳng lấy. Do lẽ ở nơi thượng ngàn này, sau lũ kiếm được cái quán nhỏ chẳng khác gì đi tìm đồ xa xỉ, phải mất cả ngày đường mới tìm được quán, tìm được là một chuyện, sau đó có cái gì đó lót dạ hay không là một kỳ công khác.
Thế nên hiện tại ai cũng cần kíp cái ăn, cái muối cho mặn miệng. Cần đến lặng người.
Chúng tôi đổ bộ đường Hồ Chí Minh qua xã Thượng Hóa, con đường vào thung lũng Rục gồm các bản Yên Hơp, Ón, vẫn chưa thể thông tuyến, nước ở các con ngầm vẫn cuồn cuộn chảy xiết. Chưa một cán bộ nào có thể vào được với người Rục.
Vậy mà cái đói của họ đã bay về tai các cán bộ huyện qua điện thoại. Biết là biết thế nhưng địa phương cũng bó tay vì nguồn ngân sách nhỏ chẳng kham nổi.
Cả 600 người Rục đã cận kề cái đói, cần gấp 10 tấn gạo và một lượng lớn muối. Những thứ cần kíp đó đối với nhiều nơi có thể chẳng là gì, nhưng với người Rục, hai thứ đó như thần thánh giúp họ khỏi chết đói, chết rét.
Ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Hàng ngàn đồng bào Sách, Mày, Khùa ở Dân Hóa, Trọng Hóa cũng đang đối mặt với thiếu cơm, nhạt muối”.
“Xin cho đồng bào 100 tấn gạo, 50 tấn muối”!
Với những tộc người ở Minh Hóa, việc họ trồng vụ đông hơn 500 ha ngô, sắn và các hoa màu khác dành ăn trong giá rét cuối năm đã bị lũ biến thành rác thải. Cùng 4 triệu cây keo mới trồng cũng bị mất trắng thì khi cái bụng đói réo rắt, họ buộc phải du canh du cư tìm cái ăn, hoặc lui vào sâu trong rừng giã từ văn minh để ở hang đá với nền kinh tế săn bắt hái lượm.
Nếu những chuyện như thế diễn ra, chắc chắn địa phương phải chạy đôn chạy đáo vận động họ trở lại nơi định cư cũ. Lúc đó thật khó để họ thuận cái bụng.
Do vậy, những thông tin cần kíp nhất về cái đói, cái thiếu ở Rục, Mày, Sách, Khùa cứ thế dồn dập về với chúng tôi, huyện Minh Hóa chỉ biết nhờ vào thông tin đại chúng. Ông Đinh Minh Chất, thảng thốt: “Xin hãy cho đồng bào 100 tấn gạo, 50 tấn muối”.
Theo Dương Minh Phong
Sài Gòn Giải Phóng