Xét yếu tố “nhạy cảm, đặc biệt” trong đánh giá tác động môi trường?
(Dân trí) - Theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, đánh giá tác động đến "cảnh quan thiên nhiên quan trọng” sẽ là một nội dung của đánh giá tác động môi trường, tránh trường hợp gây ảnh hưởng di sản thiên nhiên.
Chiều 8/6, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức buổi tọa đàm thông tin một số nội dung mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) - điểm mới về chính sách trong dự thảo lần này là xác định các cảnh quan thiên nhiên quan trọng có “mức độ nhạy cảm, yêu cầu đặc biệt” về bảo vệ môi trường.
Dẫn chứng lại một số vụ việc gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, bà Nhàn cho rằng, do thiếu các đánh giá về tác động của dự án đối với cảnh quan thiên nhiên dẫn đến việc cho phép triển khai các dự án ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, các di sản có giá trị đặc biệt tầm quốc tế.
Điều này sẽ làm “tổn thất” sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt đối với các hoạt động du lịch, văn hóa, tâm linh và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.
“Ví dụ như các dự án tại tỉnh Hà Giang như Dự án tâm linh Lũng Cú (huyện Đồng Văn); điểm quan sát tại đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc); Khu di sản thiên nhiên thế giới tại Tràng An (Ninh Bình)” - bà Nhàn cho hay.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) xác định, đánh giá tác động đến cảnh quan thiên nhiên quan trọng là một nội dung của đánh giá tác động môi trường.
Việc quy định và yêu cầu cụ thể về đánh giá tác động đến cảnh quan thiên nhiên trong quá trình đánh giá tác động môi trường sẽ khắc phục được khoảng trống về pháp lý.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho hay, các giải pháp bảo vệ môi trường đề xuất trong đánh giá tác động môi trường cũng tập trung chủ yếu vào xử lý chất thải và giảm thiểu chất ô nhiễm mà chưa quan tâm thích đáng đến bảo vệ cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học.
Mặc dù đánh giá tác động môi trường có yêu cầu cân nhắc đến ngăn ngừa tác động đến hệ sinh thái và bảo tồn tính đa dạng sinh học, tuy nhiên chưa có cơ chế để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi phù hợp.
Trong quy định về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định, ban hành danh mục các cảnh quan thiên nhiên quan trọng trên địa bàn.
Các cảnh quan này được bảo vệ và quản lý theo quy định hiện hành và các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ban bố "tình trạng khẩn cấp" nếu không khí ô nhiễm nghiêm trọng
Tại buổi toạ đàm, ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) - cho biết dự thảo luật bổ sung quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trong địa bàn, vùng lãnh thổ.
Trong đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường không khí. Khi chất lượng không khí ở mức rất xấu hoặc nguy hại thì người đứng đầu địa phương sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai thực hiện các biện pháp để khắc phục.
Liên quan đến vấn đề này, theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) nên chia ra hai nhóm tình trạng khẩn cấp.
Nhóm thứ nhất là ô nhiễm không khí do sự cố về môi trường, do cháy nổ nhà máy hoá chất. Nhóm thứ hai là do các nguồn ô nhiễm kết hợp với hiện tượng khí tượng cực đoan, đẩy nồng độ ô nhiễm ở một khu vực tăng “tới mức cực đoan”.
“Khi ban bố tình trạng khẩn cấp do ô nhiễm không khí, nhóm giải pháp ưu tiên đầu tiên là bảo vệ sức khỏe người dân. Nếu sự cố môi trường ở mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể di dời người dân, thậm chí cho học sinh nghỉ học” - ông Dũng đề xuất.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến, dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế!
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường khi đề cập đến chính sách mới bảo vệ môi trường nước trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo đó, để bảo vệ môi trường nước, quy định mới sẽ thay đổi cách quản lý theo quy chuẩn nước thải đầu ra sang quan lý dựa trên thải lượng và sức chịu tải của môi trường.
Để thực hiện được đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nắm bắt được hiện trạng sức chịu tải của nguồn nước và các nguồn đang thải vào, cũng như có phương án phân bổ hạn ngạch xả thải phù hợp.
Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng mục tiêu, phương án giảm phát thải vào những nguồn nước đã bị ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng nước.
Theo ông Thịnh, Dự thảo luật cũng đưa ra quy định về việc không cấp giấy phép môi trường để xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải. Đây cũng là kinh nghiệm được áp dụng tại các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Nếu không thực hiện quy định này thì không khác gì đánh đối môi trường để lấy kinh tế” - ông Thịnh khẳng định.
Nguyễn Trường - Thế Kha