Đắk Lắk:

Xem xét xử lý nghiêm vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka

(Dân trí) - Nhận được thông tin về vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka (nằm trên địa bàn xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện rất nhiều cây rừng đã bị đốn hạ, cưa xẻ và vận chuyển ra khỏi rừng.

Ngày 27/11, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết: Sau khi nhận đươc thông tin về vụ phá rừng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka có báo cáo cụ thể và yêu cầu đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.

Xem xét xử lý nghiêm vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka - 1
Rừng đặc dụng Nam Kar bị phá

Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản khẩn chỉ đạo và đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương xử lý vụ khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka quản lý.

Theo đó, ngày 26/11, lực lượng Kiểm lâm huyện Krông Ana phối hợp với Công an huyện Krông Ana và Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka phát hiện một số vị trí rừng bị phá.

Xem xét xử lý nghiêm vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka - 2
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, cưa xẻ trước khi vận chuyển ra khỏi rừng

Cụ thể, tại tiểu khu 1023 do Ủy ban Nhân dân xã Bình Hòa, huyện Krông Ana quản lý có tập kết một số gỗ xẻ, khối lượng khoảng 2m3. Từ điểm này đi sâu vào rừng đặc dụng, phát hiện 3 gốc cây bị cưa hạ có đường kính gốc từ 40-50cm, phần thân cây đã bị xẻ lấy đi (vị trí này vẫn chưa xác định được lô, khoảnh, tiểu khu).

Tại tiểu khu 1024 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka, phát hiện 2 gốc cây bị cắt hạ, đường kính gốc từ 1-1,5m, số gỗ còn lại tại thời điểm kiểm tra là 3 hộp gỗ xẻ có khối lượng 1,5m3, qua kiểm tra, xác định thời điểm khai thác gỗ xảy ra vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2019.

Xem xét xử lý nghiêm vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka - 3
Một cây gỗ lớn vừa bị đốn chưa bị xẻ thành từng hộp gỗ

Các cây gỗ đã bị đốn hạ, được lâm tặc xẻ gỗ thành từng hộp và vận chuyển ra khỏi rừng đặc dụng. Số còn lại đã được xẻ vẫn chưa kịp vận chuyển ra ngoài rừng, trong rừng nhiều cây lớn bị đốn hạ nằm la liệt.

Thúy Diễm