Xem vòm sắt "vá" điểm sạt lở trong hầm đường sắt Bãi Gió
(Dân trí) - Để gia cố điểm sạt lở trong hầm đường sắt Bãi Gió ở Đèo Cả (Khánh Hòa), ngành đường sắt đã hàn các thanh sắt lớn, tạo mái vòm vững chắc, đảm bảo cho các phương tiện qua lại an toàn.
Tối 21/4, các loại tàu chính thức lưu thông qua hầm đường sắt Bãi Gió - nơi xảy ra vụ sạt lở vào 9 ngày trước làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Trước đó vào ngày 12 và 13/4, tại hầm đường sắt này xảy ra hiện tượng sạt lở với tổng khối lượng hơn 200m3, bịt kín đường hầm.
Ngay sau đó, các đơn vị thi công đã khoan 39 mũi khoan, trong đó có 2 mũi khoan từ sườn núi xuống và 37 mũi khoan bên trong hầm để bơm bê tông áp lực cao, tạo sự kết dính ổn định cho hầm Bãi Gió.
Các thanh thép lớn được công nhân vận chuyển vào trong để phục vụ cho việc gia cố hầm.
Công nhân hàn các thanh thép lớn, tạo mái vòm vững chắc tại vị trí sạt lở trong hầm Bãi Gió.
Công nhân dùng cuốc, xà beng để nạo lớp đất đá xung quanh đường ray trước giờ thông tuyến.
Công nhân dùng tay để kê các khối gỗ vào ray đường sắt, đảm bảo cân bằng giữa 2 ray và thu dọn trang thiết bị trước giờ thông hầm.
Đúng 17h45 ngày 21/4, ngành đường sắt đã cho vận hành thử nghiệm tàu công trình qua hầm Bãi Gió, để đánh giá độ an toàn.
Chiều 21/4, thông qua mũi khoan phía trên đỉnh hầm, nhóm công nhân tiếp tục trộn, nhồi bê tông xuống vị trí sạt lở.
Kỹ thuật viên dùng camera mini để "siêu âm" phía trong điểm sạt trượt, qua đó đánh giá độ lấp đầy của bê tông tại vị trí sạt lở.
Về đường bộ, dự kiến ngày mai (22/4) các loại phương tiện ô tô sẽ được đi qua Đèo Cả.
Hầm Bãi Gió (thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) dài khoảng 900m, được Pháp xây dựng cách đây hơn 90 năm, đến năm 1936 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Theo ngành đường sắt, sau 88 đưa vào sử dụng, nên các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi rơi tự do xuống phía dưới đường ray gây tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam.