1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xem dân vạn đò đón Tết

(Dân trí) - Cũng cúng ông Táo, cúng tất niên, đốt vàng mã. Cũng mua hoa, chậu cảnh về trưng bày. Chỉ khác mỗi điều, tất cả tập tục văn hóa đều diễn ra trên chiếc thuyền - cũng là “tổ ấm” của những người dân nghèo định cư trên sông Hương, thành phố Huế.

Dọc hai bờ sông Hương đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng và Bạch Đằng, trái với vẻ ảm đạm thường ngày, hàng chục chiếc thuyền rách nát trên sông nay như khởi sắc hơn khi được người dân trưng cờ tổ quốc và trang trí bằng những bông cúc, cành đào lượm lặt được từ chợ hoa ở công viên Phú Xuân ngày giáp Tết.

Nhà nào cũng tất bật làm cỗ tất niên. Chị Nguyễn Thị Hoa, một cư dân xóm vạn đò thuộc tổ 15, phường Phú Hiệp, thành phố Huế cười nói: “Cả năm mới có được cái Tết nên tui cũng cố sắm sửa chút ít cho nó có không khí”. Mâm cỗ tất niên có xôi trắng, chè, mấy đĩa thịt heo luộc. Và món thịnh soạn nhất khiến lũ trẻ nhà chị mắt cứ hau háu là con gà trống tơ nằm ngay chính giữa mâm.
 
Xem dân vạn đò đón Tết - 1

2 chị em nhà chị Hoa đang làm mâm cỗ tất niên trên đò
 
Thằng cu Heo, 8 tuổi, con thứ 4 của chị Hoa hồn nhiên bảo với chị nó: “Mẹ nói cúng xong thì phần em là cái đùi gà, chị phải ăn cánh. Chỉ con trai mới được ăn đùi gà để chân cứng đá mềm, con gái thì ăn cánh để lớn lên còn… bay”. Vừa nhìn vào mâm cỗ, nó vừa sốt ruột nhìn mẹ nó và ông nội thắp hương khấn vái. Nó bảo cả năm mới được một lần ăn thịt gà, nhưng chờ ông nội cúng sao thấy lâu quá trời.
 
Xem dân vạn đò đón Tết - 2

Tết đến, nhà nào cũng làm con vịt, con gà để cúng tất niên
 
Anh Nguyễn Dĩnh, hàng xóm nhà chị Hoa vừa trở về nhà sau một ngày tất bật đạp xích lô chở hoa Tết cho người thành phố. Khệ nệ xách cái lồng nuôi 2 con vịt ra, anh bảo: “Om 3 tháng mới có mà ăn Tết đó chú ạ. Nhà đông con, có cái gì là chúng ăn sạch, chẳng cất được”. Cái lồng vịt mà anh Dĩnh tự chế trông thật ngộ, chẳng khác gì một cái đò nhỏ. “Nhà tui là một cái đò lớn, lồng vịt là một cái đò nhỏ. Người nuôi vịt giờ đến lúc vịt… nuôi người”, anh Dĩnh ví von.
 
Theo lời anh Dĩnh, ở xóm vạn đò này có 92 hộ dân, trung bình mỗi nhà cũng 5 khẩu. Mỗi chiếc đò là một cái nhà. Nhà nào có chừng 8, 9 khẩu trở lên thì cắt làm đôi thành 2 đò và cứ theo cuối sông mà dựng thêm vì các đò đã quây kín sát nhau. Con trai, con gái lớn lập gia đình thì bố mẹ, họ hàng giúp đỡ sắm thêm một chiếc đò để ra riêng. “Anh cứ nhìn đò nào có chữ TA nghĩa là… “tổ ấm”, đò ghi ĐC là đò đánh cá, đò ghi CS là đò làm nghề cát sạn”, anh Dương Điểu, trưởng xóm vạn đò cho biết. Dọc theo đường Bạch Đằng, tôi để ý phần lớn các đò đều thuộc diện tổ ấm, nghĩa là người dân chủ yếu làm nghề sinh nhai trên bờ, tối về mới sống ở đò.
 
Ngày 30 Tết, không khí đón Tết của dân vạn đò cũng rộn rã không kém người mặt phố. Vàng mã đốt đầy sông. Giày dép, áo quần được cúng xuống âm phủ nhiều nhất, thậm chí có người còn đốt cả xe máy, nhà tầng. “Tụi tui cũng thích ở trên bờ lắm chú ạ. Chỉ vì cha mẹ sống ở đò nên cứ phải bám sông nước. Ở đò cực lắm, nhất là đất Huế cứ mưa lũ triền miên. Con cái tụi tui cũng được đi học nhưng lên đến cấp 2 là nghỉ hết. Nghe bảo năm nay các hộ vạn đò sẽ được hỗ trợ ở nhà tái định cư trên bờ mà chưa biết răng cả, chỉ thấy mừng trong bụng”, anh Điểu tâm sự với chúng tôi.
 
Xem dân vạn đò đón Tết - 3

Chỉ có Tết đến, lũ trẻ vạn đò mới được một bữa ăn thịnh soạn
 
Theo anh Điểu, các hộ nghèo ở xóm vạn đò cũng được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, trung bình mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 200.000 đồng ăn Tết. “Có thêm chút tiền mua gạo, thức ăn cho con cái đón Tết mình thấy vui lắm. Làm quanh năm khi nào cũng lo đủ cái ăn, cái mặc mà thôi. Tết này vậy là sướng lắm rồi”, anh Điểu khẳng định.
 
Sông Lam