1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Xẻ thịt” xe máy vi phạm

Chuyện bê bối trong việc bảo quản xe gắn máy vi phạm bị tạm giữ của Công an TPHCM đã bị phản ánh từ rất lâu nhưng xem ra vấn đề không được khắc phục. Mới đây, khi hàng trăm xe vi phạm thuộc diện thanh lý đưa ra đấu giá lại không có người mua hoặc mua giá cực rẻ càng làm dư luận bức xúc.

Việc giam xe từ lâu đã trở thành nỗi khiếp sợ của những người điều khiển phương tiện khi vi phạm luật giao thông bị bắt. Họ sẵn sàng nộp phạt bao nhiêu tiền cũng được với nguyện vọng là "con xe" được bình an về nhà cùng với khổ chủ, chứ dứt khoát không chịu cảnh "giam cầm".

Theo chúng tôi tìm hiểu thì hầu hết bãi tạm giữ xe của các đội thuộc Phòng CSGT đường bộ đã bị quá tải từ lâu. Mới đây Công an TPHCM phải bỏ hàng trăm triệu đồng xây dựng khung sắt nhiều tầng cơi nới thêm trong khuôn viên của các đội để có chỗ cho xe mô tô cảnh sát và xe cán bộ, công nhân viên...

Ông Phạm Văn Sỹ, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: "Có nhiều chiếc xe trong lô hàng này dẫn bộ còn không được thì làm sao mà chạy. Có lẽ trong quá trình tạm giữ, xe không được bảo quản tốt nên mới nhanh chóng xuống cấp như vậy.

 

Bản thân trung tâm rất muốn hàng tốt để mua bán nhanh, nhưng việc tổ chức bán đấu giá diễn ra rất chậm vì khách hàng chê chất lượng hàng hóa, có nhiều lô hàng hạ giá nhưng vẫn khó bán".

Một cán bộ của đội CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ, rụt rè khi cho chúng tôi biết: "Bãi tạm giữ xe của đội không có mái che, luôn luôn ở trong tình trạng báo động quá tải. Mỗi ngày chúng tôi đều phải thuê xe tải chở xe bị tạm giữ về kho... nếu không thì xe tạm giữ chồng chất ra đến ngoài lề đường".

Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh bốc xe vi phạm lên xe tải về các kho tạm giữ, làm xe bị trầy xước, hư hỏng mà cảm thấy xót thay cho chủ xe. Hàng trăm xe gắn máy nằm phơi mưa, phơi nắng bị xì lốp, nhiều thiết bị bị gỉ sét... Trong khi đó, người dân vẫn bị thu tiền bảo quản xe gắn máy (!?). Đây là điều nghịch lý nhất mà người dân từ nhiều năm nay phải gánh chịu.

Theo quy định, xe vi phạm không hợp pháp (xe không có giấy tờ...) sẽ bị tịch thu, bán đấu giá, sung vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, công tác bảo quản xe bị tịch thu không đảm bảo khiến xe xuống cấp nghiêm trọng, khi thanh lý bị mất giá gây thiệt hại rất nhiều.

Thực tế, vấn đề này các cơ quan thẩm quyền biết từ lâu, nhưng đến nay nó vẫn chưa được quan tâm đúng mức để tránh lãnh phí. Điển hình như mới đây, ngày 11/7/2007, Phòng CSGT đường bộ đã tiến hành bàn giao 200 xe gắn máy bị tịch thu cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TPHCM) dưới sự chứng kiến của Sở Tài chính TPHCM để tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên đến nay, lô hàng nói trên vẫn chưa bán được vì xe bị hư hỏng quá nặng.

Trong vai người đi xem để mua lô hàng 200 xe gắn máy này, chúng tôi phát hiện nhiều xe Dream, Wave bị mất mặt nạ, bình ắc-quy, cục sạc... Rõ ràng đây không phải là tình trạng ban đầu, vì nếu xe không có bình ắc-quy thì không thể lưu thông được, mà không lưu thông thì làm sao bị CSGT thổi phạt...

Theo biên bản kiểm kê, định giá và giao nhận tài sản vào tháng 7/2007, tổng giá trị được xác định của 200 xe trên là 365,2 triệu đồng. Ngày 3/8/2007, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã rao bán đấu giá 200 xe trên với giá khởi điểm là 365,2 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Sỹ, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản cho biết: "Lần đầu tiên tổ chức đấu giá 200 xe trên thì có Công ty N.Đ đăng ký mua với giá 485 triệu đồng cao hơn giá khởi điểm. Tuy nhiên sau khi đại diện người của Công ty N.Đ đi xem lô hàng thì ngay lập tức họ làm đơn từ chối mua và chịu mất 19 triệu đồng tiền đặt cọc. Vừa rồi, trung tâm cho đăng báo để tổ chức đấu giá bán lại lần 2".

Sau khi Công ty N.Đ chê hàng, cuối tháng 9/2007, chúng tôi đi cùng một số khách hàng khác có nhu cầu mua xe, nhưng xem xong, họ cũng tỏ vẻ thất vọng.

Theo Đàm Huy
Báo Thanh niên