1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xe khủng lọt trạm cân có tiêu cực?

Đến 16 giờ ngày 21/4, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, chiếc xe 51C-178.99 kéo rơ-moóc chở máy biến thế nặng hơn 100 tấn bị trạm cân lưu động tại Bình Thuận lập biên bản vào rạng sáng 20/4 vẫn chưa về TP.HCM theo hành trình mà vẫn còn tránh CSGT ở đâu đó tại Đồng Nai.

Lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt yêu cầu làm rõ.

 

Lãnh đạo Bộ GTVT: Lọt lưới quá khó hiểu

 

Chiếc xe này đi từ Hà Nội vào TPHCM qua hàng loạt trạm cân và chỉ bị phạt tại Bình Thuận. Cả lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều “thấy kỳ lạ và không loại trừ nguyên nhân có tiêu cực”.

 

“Trạm cân hoạt động 24/24 giờ thì làm sao có thể để lọt lưới chiếc xe quá tải này được. Bộ sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ báo cáo và làm rõ vì sao lại để xảy ra vụ việc này. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu làm rõ có nguyên nhân tiêu cực để chiếc xe quá tải trên lọt lưới hay không” - ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, nói.

 

Còn ông Nguyễn Đức Thắng - Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay sẽ làm rõ vì sao lại có chuyện để xe quá tải lọt lưới. “Lọt làm sao mà lọt, làm sao lại lọt được nhiều trạm cân thế. Không thể ngẫu nhiên lại lọt được tất cả trạm như vậy. Nếu lọt như vậy, chẳng nhẽ lại xảy ra tiêu cực hết ở các trạm cân mà chiếc xe quá tải kia đã đi qua hay sao? Cái này chúng tôi sẽ kiểm tra và làm rõ, không thể để chuyện này xảy ra được” - ông Thắng nói.

 

Một lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng cho hay sẽ làm rõ vì sao lực lượng tuần tra kiểm soát để lọt lưới chiếc xe quá tải này.

 

Xe khủng lọt trạm cân có tiêu cực?

Chiếc xe khủng với máy biến thế cả trăm tấn lọt lướt hàng loạt trạm cân từ Hà Nội đến Bình Thuận. Ảnh: CTV

 

Xe nào cũng cân được

 

Một nguồn tin cho biết chỉ riêng thiết bị máy biến thế có chiều cao 4,3 m nếu tính luôn chiều cao của sơmi rơmoóc đã cao gần 5 m. Đó là chưa kể độ dày của vỏ xe sau khi bơm căng. Trong khi quy định chiều cao hàng hóa xe chở hàng siêu trường siêu trọng được phép vận chuyển không quá 4,2 m tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên.

 

Về việc trạm cân Bình Thuận chỉ lập biên bản, không đưa vào cân và không hạ tải chiếc xe “khủng”, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, Trưởng trạm cân, cho biết: Căn cứ lời khai của lái xe, chúng tôi lập biên bản xử phạt xe này chở 65 tấn. Việc không đưa xe vào cân là vì xe này rất dài, có đến bốn trục trong khi bàn cân chỉ có hai. Cạnh đó khi cho xe lui vào bàn cân, thiết bị biến thế trên xe quá cao, sắp đụng vào đường dây hạ thế nên chúng tôi không cho cân xe. Tôi cũng đã gọi cho Công ty Cổ phần Tự động hóa và Cơ khí Hanel (đơn vị cung cấp bộ cân kiểm tra tải trọng xe lưu động) và đã nhận được khuyến cáo là không nên đưa xe này vào cân…

 

Tuy nhiên, lý giải của ông Long không được Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Đức Thắng đồng tình. “Tôi khẳng định không có gì là không cân được cả. Việc cân tải trọng đối với chiếc xe trên hoàn toàn nằm trong tầm tay. Cái này chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo làm rõ chứ không thể nói là không cân được”. Ông Thắng cũng cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng ra quân thực hiện việc kiểm tra tải trọng mới có việc không cân được xe quá tải.

 

Rạng sáng 20/4, trạm cân xe Bình Thuận phát hiện chiếc xe “khủng” chở máy biến áp nặng trên 100 tấn từ Hà Nội vào TP.HCM nên chặn lại kiểm tra.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiếc xe này có thiết kế cho phép chênh lệch khá lớn với giấy phép được vận chuyển hàng siêu trọng đã được cấp. Cụ thể đây là xe đầu kéo hiệu FAW của Trung Quốc, sản xuất năm 2007, trọng lượng kéo theo cho phép là 31,8 tấn; sơmi rơmoóc 51R-057.97 tổng trọng tải cho phép chở là 38 tấn. Trong khi giấy phép được cấp chở đến 41,7 tấn, chênh lệch với trọng lượng được phép kéo đến gần 10 tấn, chưa kể máy biến thế “khủng” mà chiếc xe này đang vận chuyển!

 

Theo T. Văn - P. Nguyễn

 Pháp luật TPHCM