“Xe điện chạy quanh bờ hồ” chưa đủ điều kiện hoạt động

(Dân trí) - Chưa có giấy chứng nhận đăng kiểm, chưa có tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường - đó là vấn đề mấu chốt khiến các cơ quan chức năng chưa thể đi đến thống nhất cho xe điện được chạy trước Tết Nguyên đán trên phố cổ Hà Nội.

Trong cuộc họp bàn triển khai dự án phương tiện giao thông sạch phục vụ khách du lịch tham quan phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm tổ chức sáng nay 27/1 tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, các cơ quan chức năng đều đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, việc Công ty CP Đồng Xuân chưa có giấy chứng nhận đăng kiểm và giấy chứng nhận kiểm tra đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là lý do khiến dự án này chưa được Sở GTVT Hà Nội và Công an TP Hà Nội chấp thuận.
 
“Xe điện chạy quanh bờ hồ” chưa đủ điều kiện hoạt động - 1
Vấn đề thủ tục để xe ô tô điện hoạt động trước Tết Nguyên đán vẫn còn “rắc rối”
 

Ông Đỗ Xuân Thủy (Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân) cho biết: “Ô tô điện được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc với số lượng 20 xe, trị giá 17.000 USD/xe. Hiện ô tô điện đã lên tàu được 3 ngày, dự kiến ngày ngày mùng 2/2 sẽ về tới Hà Nội. Chúng tôi mong được tạo điều kiện đưa vào khai trương vào ngày 9/2”.

Theo phương án đề xuất của công ty này, ô tô điện khi được đưa vào hoạt động sẽ đi qua 28 tuyến phố thương mại, 13 phố nghề, 22 đình, 9 đền, 3 chùa, 8 di tích lịch sử, thắng cảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm và chợ Đồng Xuân, với lộ trình khoảng 6 km. Khu vực đường đôi trên phố Đinh Tiên Hoàng được chọn làm ga đầu và ga cuối của ô tô điện.
 
Ông Thủy cho biết thêm: “Với diện tích 1.000 m2, đây cũng là bến tàu điện cũ rất thuận tiện cho việc đón trả khách. Bên trong phố cổ sẽ có 13 điểm dừng, điểm đỗ; nhà chờ ô tô điện có chiều dài 6m, rộng 3m, cao 3m, mái lợp 2 lớp màu xanh, mái che làm bằng khung sắt chịu lực D114, các cột treo biển màu xanh”.
 
Trước đề xuất của Công ty CP Đồng Xuân, ông Nguyễn Hoàng Linh (Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, chứng nhận đăng kiểm và tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện giao thông công cộng này chưa có nên Sở không thể linh động tạo điều kiện. Sở GTVT chỉ cấp giấy phép, phù hiệu khi ô tô điện này đã có đăng kiểm, có biểm kiểm soát và đảm bảo theo đúng quy định của Bộ GTVT”.

“Kích thước, mẫu mã của nhà chờ và bố trí các điểm dừng ở các ngã ba, ngã tư theo đề xuất của Công ty CP Đồng Xuân cũng cần xem xét và khảo sát lại cho đúng quy định” - ông Linh cho biết thêm.

Lý giải thêm về lý do chưa tán thành cho xe điện hoạt động, ông Linh nói: “Muốn đưa xe ô tô điện vào hoạt động phải chú ý đến mục đích là phục vụ du lịch hay kết hợp đi lại theo nhu cầu của người dân hoặc chạy như xe buýt. Đưa xe điện vào hoạt động thay thế xích lô, nhưng ứng với lộ trình của phương tiện này thì cũng cần phải tính toán và xem xét kỹ lưỡng đến mật độ phương tiện tham gia giao thông trong khu vực này đang cực kỳ lớn với sự hoạt động của các tuyến xe buýt, xe máy, người đi bộ... để tránh chồng chéo lên nhau”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Nghi (Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) cũng khẳng định: “Chưa có đăng kiểm thì Công an thành phố chưa thể cấp biển, chúng tôi sẽ linh động đăng ký nhanh cho những xe ô tô điện này khi đã đủ thủ tục. Về việc đặt các điểm dừng, điểm đỗ xe điện cần khảo sát lại để tránh những xung đột về giao thông trong giờ cao điểm”.
 
“Xe điện chạy quanh bờ hồ” chưa đủ điều kiện hoạt động - 2
Sơ đồ và lộ trình tuyến dành cho ô tô điện trên phố cổ Hà Nội
 
Trả lời về những ý kiến trên của các cơ quan chức năng, ông Đỗ Xuân Thủy cho hay: “Chúng tôi đã lên Cục Đăng kiểm để làm thủ tục. Còn hồ sơ gốc, các thông số kỹ thuật và vận đơn, đến ngày 2/2 khi xe về đến Hà Nội là sẽ có. Dự kiến đến mùng 5/2 sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Chúng tôi quyết tâm triển khai đề án này”.

Dự kiến tình hình hoạt động ban đầu và giá vé ô tô điện, ông Thủy khẳng định: “Ban đầu chúng tôi đề xuất giá vé là 10.000 đồng/lượt/người nhưng giờ đã được điều chỉnh như sau: thời gian xe hoạt động từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 giá vé sẽ là 15.000 đồng/lượt/người, từ năm thứ 4 đến năm thứ 6 là 20.000 đồng/lượt/người, hoạt động trong vòng 8 năm là chúng tôi có thể thu hồi được vốn”.

Ông Hoàng Công Khôi (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm) kết luận cuộc họp: “Đây là một đề án thí điểm, vì vậy cuộc họp hôm nay có tính chất bàn bạc về hiệu quả để đi đến thống nhất triển khai phương tiện sạch sắp tới. Đây là phương tiện giao thông tiện ích, giá vé và lộ trình phù hợp, phù hợp với du lịch, thân thiện với môi trường, vì vậy chúng tôi rất hy vọng có thể khai trương trước Tết Nguyên đán Canh Dần”.

 
Châu Như Quỳnh