DNews

Xe đạp công cộng "gieo hy vọng" giảm ùn tắc tại thủ đô

Ngọc Tân

(Dân trí) - Khi người dân có thể tới ga tàu điện, trạm buýt bằng xe đạp công cộng thay vì đi bộ, chuyên gia đánh giá mạng lưới vận tải công cộng của thủ đô sẽ ngày càng đông khách.

Xe đạp công cộng "gieo hy vọng" giảm ùn tắc tại thủ đô

"Mình không thấy phiền, vì mình là người ưa vận động", chị Dung tươi cười trả lời khi phóng viên hỏi về bộ đồ công sở lấm tấm mồ hôi và chiếc xe đạp màu xanh dương mà chị đang sử dụng.

Từ ngày xuất hiện trạm xe đạp công cộng ngay trước cổng nơi làm việc ở phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm), chị Nguyễn Thị Dung (Cầu Giấy) đã cất xe máy ở nhà và chọn xe đạp kết hợp với xe buýt để đi làm hàng ngày.

Cộng sinh với xe buýt, tàu điện

Từ ngày 11/8, được sự hỗ trợ của TP Hà Nội, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đã thiết lập 79 trạm xe đạp công cộng ở 6 quận nội thành với tổng số 1.000 xe đạp, trong đó có 500 chiếc là xe đạp điện.

Với giá thành là 5.000 đồng cho 30 phút sử dụng, những nhân viên công sở như chị Dung tốn 10.000 mỗi ngày cho 2 lượt đi và về. Chi phí có thể rẻ hơn nữa nếu chị mua vé tháng. 

Xe đạp công cộng gieo hy vọng giảm ùn tắc tại thủ đô - 1

Một trạm xe đạp công cộng được đặt sát bến xe Kim Mã để hành khách có thể lưu thông chuyển tiếp với xe buýt (Ảnh: Ngọc Tân).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia Vũ Anh Tuấn (Giảng viên Đại học GTVT) nhận định xe đạp công cộng sẽ giúp kết nối, bổ trợ cho mạng lưới vận tải công cộng sẵn có ở thủ đô; làm cho các chuyến đi trở nên nhanh hơn, bớt vất vả hơn so với đi bộ.

"Ví dụ trước đây từ nhà của mình bạn phải đi bộ khoảng vài trăm mét để tới được bến xe buýt hoặc ga tàu điện. Bây giờ bạn có thể đi xe đạp công cộng. Như vậy, loại phương tiện này sẽ kích thích người dân sử dụng tàu điện, xe buýt nhiều hơn", chuyên gia Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Việc triển khai xe đạp công cộng ở thủ đô đặc biệt ở chỗ đây là nơi đầu tiên chứng kiến sự kết hợp cộng sinh của các loại hình vận tải dùng chung từ cao đến thấp gồm tàu điện đô thị, xe buýt nhanh, xe buýt truyền thống, xe buýt điện, buýt mini và xe đạp công cộng.

Xu hướng gia tăng các dịch vụ vận tải dùng chung, thân thiện với môi trường đang tạo cho người dân Hà Nội trải nghiệm đi lại văn minh tương tự như nhiều đô thị lớn trên thế giới. Trong đó, mỗi loại hình phương tiện sẽ đảm trách một dải cự ly nhất định. Xe đạp công cộng phù hợp với cự ly di chuyển 500m tới 1km.

Theo chuyên gia, việc phát triển xe đạp công cộng dựa trên logic: khuyến khích người dân dùng dịch vụ vận tải công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân và từ đó giảm được ùn tắc giao thông kinh niên ở thủ đô.

Điều kiện để xe đạp công cộng "sống tốt"

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Tập đoàn Trí Nam, đơn vị cung ứng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội, cho biết họ đã giải quyết được bài toán "ngăn ngừa mất trộm xe" nhờ sử dụng công nghệ khóa thông minh kết hợp định vị GPS.

"Qua triển khai ở 5 thành phố, chúng tôi ghi nhận tình trạng mất mát, hư hỏng xe là không đáng kể", đại diện doanh nghiệp khẳng định.

Xe đạp công cộng gieo hy vọng giảm ùn tắc tại thủ đô - 2

Một trạm xe đạp công cộng phải "chấp nhận" nằm cách ga tàu điện Cát Linh 100m do các vị trí gần hơn đã được khoanh vùng làm bãi đỗ xe máy.

Tuy nhiên, doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn khi triển khai dịch vụ ở Hà Nội, như việc đường sá đông đúc, chưa có làn đường riêng cho xe đạp; một số trạm xe bất đắc dĩ phải đặt cạnh bãi rác hoặc những vị trí cống rãnh thiếu vệ sinh....

Theo chuyên gia Vũ Anh Tuấn, mạng lưới trạm xe đạp công cộng tại Hà Nội sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa nếu được chính quyền thành phố quy hoạch tại những vị trí thuận tiện cho người dân. Cụ thể là đặt cạnh các bến xe buýt, ga tàu điện, khu tập trung cơ quan, công sở, khu dân cư có mật độ lớn và các tụ điểm du lịch....

Bên cạnh vị trí thuận lợi, số lượng trạm xe cũng cần tăng thêm. Với tính năng cho phép người dân lấy xe từ một trạm và trả xe tại một trạm bất kỳ, mật độ trạm càng dày đặc thì càng tiện lợi cho người sử dụng.

Doanh nghiệp đang quản lý xe theo mô hình trạm cố định (station based). Tức là khách hàng sau khi sử dụng xong xe đạp vẫn phải trả xe ở các trạm đã hoạch định sẵn trên bản đồ. Điều này gây khó khăn cho những người có nhà cách xa trạm xe.

Xe đạp công cộng gieo hy vọng giảm ùn tắc tại thủ đô - 3

Một trạm xe đạp công cộng trên đường Võ Chí Công (Hà Nội), được bố trí ngay tại chân 2 tòa chung cư (Ảnh: Ngọc Tân).

Ông Tuấn cho biết khi trình độ quản lý đạt đến tầm cao hơn, những chiếc xe đạp công cộng có thể được "thả nổi" (floating). Khách hàng có thể trả xe tại bất cứ đâu, thậm chí là trước cửa nhà mình. Chiếc xe sau đó có thể được sử dụng bởi những người trong khu phố hoặc được đơn vị cung ứng dịch vụ tìm đến và thu gom (thông qua công nghệ định vị xe).

Hiện nay, do việc luân chuyển xe giữa các trạm là không đồng đều (bất bình hành), đã có tình trạng nhiều trạm thường xuyên cạn kiệt xe, trong khi một số trạm khác lại có quá nhiều xe.

Để giải quyết vấn đề này, đơn vị cung ứng dịch vụ đã thiết kế ứng dụng di động cho phép người dùng xem được số lượng xe đạp đang có tại một trạm bất kỳ trên địa bàn, giúp tránh việc đi bộ tới nơi thì không còn chiếc xe nào ở trạm.

Bên cạnh đó, bên cung ứng dịch vụ sẽ có đội ngũ nhân sự chuyên vận chuyển xe đạp từ những trạm đông xe để chuyển tới những trạm đã "cạn" xe.

Xe đạp công cộng gieo hy vọng giảm ùn tắc tại thủ đô - 4

Tình trạng các trạm bị "cạn xe" do nhu cầu xử dụng lớn và đơn vị cung ứng chưa kịp bổ sung.

Hiện, loại hình xe đạp công cộng không được nhà nước trợ giá. Doanh nghiệp sẽ đầu tư 100% trang thiết bị và công nghệ theo hình thức xã hội hóa. Nhà nước "đối ứng" bằng cách miễn phí tiền thuê mặt bằng trạm xe cho doanh nghiệp và hỗ trợ về an ninh, trật tự.

Ông Tuấn đánh giá việc kinh doanh xe đạp công cộng không đến nỗi "lỗ nặng" như đường sắt đô thị. Doanh nghiệp hiện có thể đạt được điểm "hòa vốn" và trong tương lai sẽ có lãi nếu mở rộng được thị phần.

"Tuy nhiên, việc chính quyền ưu đãi về mặt bằng cho doanh nghiệp là cần thiết để cân đối chi phí vận hành và giữ giá cước sử dụng ở mức hấp dẫn người dân", chuyên gia nhận định.