1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Xây dựng trái phép quy mô lớn kéo dài 17 năm chưa bị xử lý

Quốc Anh

(Dân trí) - Theo Thanh tra TPHCM, từ năm 2016 đến tháng 3/2020, huyện Bình Chánh có nhiều trường hợp xây dựng trái phép quy mô lớn, kéo dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm; thậm chí có trường hợp kéo dài 17 năm.

Thanh tra TPHCM vừa thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020. 

Xây dựng trái phép quy mô lớn kéo dài 17 năm chưa bị xử lý - 1

Bình Chánh là điểm nóng về trật tự xây dựng trong những năm qua (ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo Thanh tra TP, tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng còn nhiều phức tạp, có dấu hiệu của việc đầu cơ mua bán đất. Việc phối hợp kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm của UBND huyện Bình Chánh và 16 xã, thị trấn cùng Thanh tra xây dựng địa bàn huyện Bình Chánh chưa đồng bộ, kịp thời.

Chính quyền địa phương để cho người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, tự phân lô bán nền, xây nhà trên đất nông nghiệp và trên đất không phải là đất ở.

Đáng chú ý, tại Bình Chánh xảy ra nhiều trường hợp xây dựng trái phép quy mô lớn, kéo dài mà chưa xử lý dứt điểm.

Có thể kể đến khu nhà hàng Hương Dừa cũ tại xã Bình Hưng rộng hơn 15.000 m2, tự chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, lấn rạch để cho thuê và bán cho các hộ dân thu lợi bất chính.

Sau quá trình mua bán giấy tay, chuyển nhượng qua nhiều người, hình thành khu dân cư sinh sống, kinh doanh mua bán không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và điều kiện an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy. 

Theo Thanh tra TP, việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần tiếp tục chuyển cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định.

Tương tự, một điển hình khác là khu ẩm thực Bình Xuyên có diện tích gần 25.000m2, chưa được cơ quan Nhà nước giao đất để đầu tư thương mại, dịch vụ nhưng đã tự ý chuyển thành đất thương mại, dịch vụ; xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch... 

Hộ dân sử dụng đất tiến hành xây dựng các công trình sai phạm kéo dài từ lâu, qua nhiều thời kỳ, từ năm 2003 đến thời điểm thanh tra (tháng 3/2020) đã 17 năm. Tuy nhiên, chính quyền huyện Bình Chánh, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND xã Bình Hưng chưa xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, tại xã Vĩnh Lộc A, một khu đất rộng hơn 8.700m2, một số hộ sử dụng không đúng mục đích, tự ý xây dựng móng, san lấp mặt bằng, có dấu hiệu phân lô trên đất nông nghiệp.

Tại xã Vĩnh Lộc B, khu đất rộng gần 53.000m2 dù chưa được giao đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở nhưng đã người sử dụng đất đã tự ý chuyển mục đích thành đất ở, xây dựng không phép 72 căn nhà riêng lẻ (nhà phố liên kế). Sau đó, bán nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân hình thành khu dân cư.

Còn tại xã Tân Nhựt, dự án khu dân cư Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông triển khai không thực hiện trình tự thủ tục như quy định. 

Chủ đầu tư chưa chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã ký hợp đồng bán các nền đất, thực chất là phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. 

Nơi đây hình thành 187 căn nhà riêng lẻ (trên 187 nền đất nông nghiệp) quy mô 3 tầng; 225 căn hộ chung cư (trên 35 nền đất nông nghiệp); 2 hạng mục nhà điều hành, hồ bơi...

Xây dựng trái phép quy mô lớn kéo dài 17 năm chưa bị xử lý - 2

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát thực trạng xây dựng tại huyện Bình Chánh vào tháng 5/2020 (ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo kết luận thanh tra, trong năm 2016-2017, UBND huyện Bình Chánh ra các quyết định xử phạt hành chính về xây dựng không phép trên đất nông nghiệp 103 trường hợp và 34 trường hợp xây dựng không phép trên đất khác nhưng chỉ xử lý 1 hành vi xây dựng không phép, không xử lý hành vi vi phạm đất đai. 

Điều này là chưa thực hiện đúng Nghị định số 102 năm 2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. 

Từ những kết luận trên, Thanh tra TP đã kiến nghị và được Chủ tịch UBND TPHCM kết luận chỉ đạo xử lý.

Theo đó, giao Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, Giám đốc các Sở Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường... tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm.