1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Xây dựng sai phép: Đề xuất tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Xây dựng đề xuất phạt tăng nặng đối với một số hành vi có tỷ lệ vi phạm cao, để lại hậu quả lớn cho xã hội như điều chỉnh quy hoạch xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà chung cư.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 139/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở được Bộ Xây dựng gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, công tác xử phạt vi phạm hành chính đã được phát huy hiệu quả so với các quy định trước đây.

Xây dựng sai phép: Đề xuất tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm - 1

Một công trình xây dựng không phép ở Bạc Liêu (Ảnh minh họa: Huỳnh Hải).

Phạt nặng nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao

Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế được duyệt, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ rồi tự do mua bán chuyển nhượng vẫn xảy ra tại một số địa phương.

Một số công trình vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xảy ra không được ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đã bị xử lý nhưng vẫn tiếp tục tái phạm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Đơn thư khiếu nại gay gắt kéo dài trong việc tranh chấp quỹ bảo trì tại nhiều chung cư tạo nên tình trạng căng băng rôn, khẩu hiệu làm "xấu xí" bộ mặt đô thị.

Trên cơ sở góp ý góp ý của Bộ ngành, địa phương, các hiệp hội…, Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền 2 lần so với mức phạt tại Nghị định số 139/2017 trong toàn bộ dự thảo gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Trong đó, tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao, để lại hậu quả lớn cho xã hội như lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà chung cư, đồng thời có xét đến tính khả thi khi thực hiện.

Cụ thể, tăng mức phạt tiền đến 250 triệu đồng đối hành vi xây dựng công trình không có giấy phép, 300 triệu đồng đối với hành vi sai quy hoạch xây dựng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư), phạt tiền đến 600 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc sau khi đã ban hành quyết định xử phạt (mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017 là 350 triệu đồng). Đặc biệt tái phạm sẽ bị xử phạt đến 1 tỷ đồng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư).

Tăng mức phạt tiền lên đến 600 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết….

Xây dựng sai phép: Đề xuất tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm - 2

Việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, Hà Nội gây ồn ào suốt thời gian dài (Ảnh: Quang Phong).

Đề xuất tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm

Đáng chú ý, dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 139 gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định đã bổ sung hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong 2 trường hợp: Thứ nhất, tổ chức, cá nhân đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc sau khi đã ban hành quyết định xử phạt hành chính về hành vi sai phép, không phép, sai quy hoạch mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm; Thứ hai, hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế mà tái phạm để tăng tính răn đe, ngăn chặn vi phạm.

Giải thích việc này, Bộ Xây dựng phân tích: Luật Xây dựng năm 2003 có quy định biện pháp "Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đối với những công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc công trình xây dựng không đúng với giấy phép được cấp". Quy định này đã được cụ thể hóa tại Nghị định số 180/2007: Đình chỉ thi công xây dựng, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng đối với công trình vi phạm…

Tuy  nhiên, Luật Xây dựng 2014 không còn quy định nêu trên. "Việc bãi bỏ quy định này, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các công trình vi phạm, dẫn đến chủ đầu tư không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, tiếp tục thi công sau khi đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công"- Xây dựng cho hay.

Bộ này nhấn mạnh, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, trong 2-3 ngày, một công trình xây dựng không phép đã có thể hoàn thành. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ gây thiệt hại không những tài sản của tổ chức, cá nhân vi phạm, mà Nhà nước còn phải trả chi phí không nhỏ để tổ chức lực lượng cưỡng chế tháo dỡ, thuê phương tiện, thiết bị thực hiện tháo dỡ (mặc dù theo quy định, tổ chức, cá nhân có vi phạm chịu trách nhiệm chi trả chi phí này).

Trước tình hình vi phạm trật tự xây dựng diễn biến ngày càng phức tạp, cử tri một số địa phương như Lâm Đồng, Khánh Hòa, TPHCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước vào quy định tại Nghị định số 139/2017 để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên cả nước.

Tuy nhiên, biện pháp ngừng cung cấp điện nước không thể đưa vào quy định tại Nghị định số 139 mà phải bổ sung vào là một biện pháp ngăn chặn trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Năm 2019-2020, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dù vậy, cuối cùng nội dung này không được Quốc hội thông qua.

"Để cơ quan có thẩm quyền có công cụ ngăn chặn được hành vi vi phạm hành chính trong một số trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình thực hiện tiếp hành vi vi phạm, dự thảo Nghị định đã bổ sung hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hai trường hợp đã nêu trên"- Bộ Xây dựng cho hay.