Xây dựng phương án bảo mật thông tin trên Căn cước công dân gắn chíp
(Dân trí) - “Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học, cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ”.
Bộ Công an vừa trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến phương án bảo mật thông tin cá nhân của công dân trên thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử trong trường hợp bị mất và giao dịch hành chính.
Theo đó, chíp sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam. Trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
“Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính”- Bộ Công an cho hay.
Khi đề xuất sử dụng Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp. Phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Trước đó, tại cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Công an nhân dân tổ chức, Đại tá Ngô Như Cường - Phó cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, trước đây khi chúng ta xây dựng Luật Căn cước công dân đã tính toán đến việc gắn chíp. Tuy nhiên khi đó chi phí chíp cao, ngân sách chưa đáp ứng được và trong nước chưa sử dụng được một số công nghệ liên quan đến chíp. Hiện nay, nhiều những khó khăn, vướng mắc trước đây đã được giải quyết.
Về ưu điểm của thẻ chíp là độ bảo mật cao hơn và hiện nay nhiều nước trên thế giới đang sử dụng. Hơn nữa, thẻ chíp sẽ lưu giữ nhiều thông tin hơn, có thể bổ sung thêm các trường thông tin của nhiều ngành, lĩnh vực như y tế, bằng lái xe, thuế...
Về bảo mật, chíp sẽ được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Do đó, nếu có bị trộm cắp cũng không dùng được, chỉ người chủ sở hữu mới có thể sử dụng được. Vì ngoài số định danh cá nhân còn có thông tin cá nhân, sinh trắc học, nhận dạng...
Ông Cường khẳng định, thẻ Căn cước công dân có mã vạch hiện nay vẫn sử dụng bình thường vì số căn cước vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi lưu trữ thông tin. Nếu thẻ còn hạn thì vẫn tiếp tục sử dụng, không bị xáo trộn, ảnh hưởng gì.
Theo Bộ Công an, điểm nổi bật của dự án Căn cước công dân là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11/2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc; sử dụng thẻ chíp điện tử đảm bảo tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng. Trước ngày 1/7/2021 dự kiến sẽ cấp được khoảng 50 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử.