1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ Công an: Quản lý dân cư bằng công nghệ 4.0

(Dân trí) - “Bỏ sổ hộ khẩu tức là chúng ta thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, còn việc quản lý dân cư, quản lý cư trú thì bất cứ Nhà nước nào cũng phải thực hiện”.

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Quản lý dân cư bằng công nghệ 4.0 - nhiều lợi ích với người dân và doanh nghiệp” do Báo Công an nhân dân tổ chức sáng 21/8, Đại tá Ngô Như Cường - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội và Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) đã giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh việc quản lý dân cư trong thời gian tới đây.

“Sổ hộ khẩu và tạm trú đã có tuổi thọ hơn 70 năm, mang theo mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống. Trong khi đó, điện thoại thông minh gần đây trở thành bộ mặt của thời đại số. Luật Cư trú sửa đổi (đang được Bộ Công an lấy ý kiến góp ý rộng rãi - PV) theo đó mang theo sứ mệnh để tạo ra cơ sở pháp lý nhằm thay đổi cơ chế quản lý dân cư từ thủ công, lỗi thời, lạc hậu, sang phương thức quản lý điện tử qua mã định danh cá nhân”- bà Thu nói.

Bộ Công an: Quản lý dân cư bằng công nghệ 4.0 - 1

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu (Ảnh: Công an nhân dân).

Bà Thu khẳng định: “Mỗi người sẽ được cấp mã định danh cá nhân 12 chữ số, mã hóa thông tin cần thiết về cá nhân đó, phục vụ công tác quản lý xã hội và quản lý dân cư. Chưa đầy 1 năm nữa, tất cả công dân Việt Nam sẽ chỉ cần một nút chạm trên điện thoại thông minh sẽ được hưởng những thành quả rất hữu ích từ những nỗ lực của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật Cư trú sửa đổi”.

Nhiều đổi mới về quản lý cư trú

- Các thông tin cá nhân sẽ được truy cập và cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Vậy, phải chăng việc sửa đổi Luật Cư trú nên được thực hiện sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện? 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Đề xuất sửa đổi Luật Cư trú và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hai chủ trương lớn của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an.

Hai nhiệm vụ này được tiến hành song song với nhau: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là để thay đổi phương thức quản lý cư trú đã lỗi thời, lạc hậu sang quản lý bằng công nghệ số. Còn sửa đổi Luật Cư trú là để tạo ra cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, hai việc này được tiến hành song song, đồng thời. 

Dự kiến, ngày 1/7/2021, khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được đưa vào vận hành. 

- Đại tá Ngô Như Cường: Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hiện được quy định trong Luật Cư trú hiện hành. Nếu ta muốn bỏ sổ hộ khẩu để chuyển sang quản lý theo phương thức mới qua mã định danh cá nhân thì rõ ràng phải sửa đổi Luật Cư trú.

Hiện nay, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang “chạy song song” với tiến độ xây dựng Luật Cư trú sửa đổi. Khi bỏ cái cũ, ta phải có cái mới để triển khai ngay. Như vậy, khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành vào tháng 7/2021 thì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an cũng đi vào vận hành.

- Bỏ sổ hộ khẩu nghĩa là không cần đăng ký sổ hộ khẩu nữa đúng không? 

- Đại tá Ngô Như Cường: Nhận định trên là không đúng, bỏ sổ hộ khẩu tức là chúng ta thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, còn việc quản lý dân cư, quản lý cư trú thì bất cứ Nhà nước nào cũng phải thực hiện.

Hiện nay, theo quy định của Luật Cư trú sửa đổi, công dân sẽ có các hình thức: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo cư trú, đặc biệt trong luật mới bổ sung thêm trường hợp khai báo thời gian cư trú đối với công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú và tạm trú.

Riêng Luật Cư trú (sửa đổi) có điểm đổi mới nổi bật nhất là sẽ bỏ điều kiện thường trú, tạm trú ở thành phố trực thuộc Trung ương để áp dụng thống nhất một điều kiện là công dân có chỗ ở hợp pháp ở chỗ nào thì đăng ký thường trú ở chỗ đó.

- Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch hợp đồng mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại. Khi không còn sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này sẽ được áp dụng như thế nào? 

- Đại tá Ngô Như Cường: Thông tin trong sổ hộ khẩu giấy hiện nay sẽ được chuyển sang thu thập, cập nhật trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc sử dụng thông tin thì luật hiện hành đã quy định là công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Vấn đề thứ hai là, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn khai thác, chia sẻ để công dân được thông suốt, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong việc khai thác dữ liệu.

Bộ Công an: Quản lý dân cư bằng công nghệ 4.0 - 2

 Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (Ảnh: Công an nhân dân).

Lý giải việc cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử

 - Vì sao tới đây phải cấp thẻ căn cước có gắn chíp? Việc gắn chip có ảnh hưởng đến quyền riêng tư không?

- Đại tá Ngô Như Cường: Trước đây, khi chúng ta xây dựng Luật Căn cước công dân đã tính toán đến việc gắn chíp, nhưng khi đó chi phí chíp cao, ngân sách chưa đáp ứng được và trong nước chưa sử dụng được một số công nghệ liên quan đến chip.

Hiện nay, nhiều những khó khăn, vướng mắc trước đây đã được giải quyết. Bên cạnh đó, hiện Bộ Công an đang triển khai Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang đề xuất phê duyệt Dự án sản xuất, cấp, quản lý thẻ căn cước công dân thì tận dụng hạ tầng, thiết bị của hai dự án sẽ tiết kiệm được chi phí. 

Về ưu điểm của thẻ chip là độ bảo mật cao hơn, trên thế giới nhiều nước sử dụng. Hơn nữa sẽ lưu giữ nhiều thông tin hơn, có thể bổ sung thêm các trường thông tin của nhiều ngành, lĩnh vực như y tế, bằng lái xe, thuế...

Về bảo mặt, chíp sẽ được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Do đó, nếu có bị trộm cắp cũng không dùng được, chỉ người chủ sở hữu mới có thể sử dụng được. Vì ngoài số định danh cá nhân còn có thông tin cá nhân, sinh trắc học, nhận dạng...

Liên quan sử dụng thẻ căn cước có mã vạch hiện nay vẫn sử dụng bình thường vì số căn cước vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi lưu trữ thông tin. Nếu thẻ còn hạn thì vẫn tiếp tục sử dụng, không bị xáo trộn, ảnh hưởng gì. 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Theo số liệu tôi đọc trên báo, hiện đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đề cao quyền cá nhân lên trên hết, có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990.

Quá trình nghiên cứu việc sử dụng chíp cho thấy, rất nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina khi gắn chíp và tích hợp thông tin liên quan đến bằng lái xe với thẻ căn cước thì tình trạng tai nạn giao thông giảm hẳn. Do đó bảo đảm tốt hơn quyền được sống, các quyền cơ bản nhất của người dân. Tính bảo mật rất cao, người dân hoàn toàn có thể yên tâm.

- Rủi ro lớn nhất khi quản lý thông tin dân cư trên nền tảng online là gì? Bộ Công an đã đưa ra cơ chế nào để giảm thiểu tối đa rủi ro này?

- Đại tá Ngô Như Cường: Rủi ro quản lý trên mạng không chỉ là hành vi vô tình, cố tình mà còn do quá trình xây dựng, thiết kế để xây dựng cơ sở dữ liệu. Dự án dữ liệu quốc gia về dân cư, là dự án công nghệ thông tin nhóm A, có nhiều hạng mục, phạm vi triển khai rộng, khi Bộ Công an đề xuất và triển khai đã rất coi trọng vấn đề bảo mật.

Các đơn vị viễn thông, cơ yếu, công nghệ thông tin, khoa học của Bộ Công an đã tích cực vào cuộc để tìm ra giải pháp tối ưu bảo mật trên không gian mạng, trong đó lưu ý vấn đề thiết kế máy chủ, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm