1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ninh Bình:

Xây cổng làng hơn chục tỷ đồng để… phát triển kinh tế địa phương?

(Dân trí) - Dự án cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được phê duyệt hơn 11 tỷ đồng, UBND huyện Hoa Lư đã thanh toán 9,4 tỷ cho đơn vị xây lắp. Công trình xây dựng nhằm quảng bá thương hiệu làng nghề đá gắn với du lịch để phát triển kinh tế địa phương.

Dùng ngân sách nhà nước xây… cổng làng

Sau khi báo Dân trí đăng bài viết phản ánh về công trình cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được đầu tư xây dựng hơn chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, bạn đọc khắp cả nước tỏ ra bất ngờ, choáng ngợp trước công trình cổng làng đồ sộ, quy mô hoành tráng này.

Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, việc xây dựng cổng làng với số vốn lớn bằng tiền ngân sách là quá lãng phí. Bạn Phương Khánh nêu: Lại kiểu tư duy… tiền chùa mà, xài thoải mái đi. Bạn Lê Van Minh băn khoăn: Ngân sách nhà nước để xây cổng làng cả hàng chục tỷ đồng liệu có trái luật.

Cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được đầu tư hơn 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được đầu tư hơn 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Xem những hình ảnh báo Dân trí đăng tải về cổng làng “khủng”, bạn Nguyễn Bảo Tiến nhận xét: Đẹp thì có đẹp nhưng là dùng tiền ngân sách Nhà nước. Hay bạn Phong Tran thắc mắc: Ngân sách Nhà nước để xây cổng làng, thử hỏi cả nước có bao nhiêu cổng làng nghề? Hàng vạn!.

Quá lãng phí, phô trương và không cần thiết, nhất là lại bằng tiền ngân sách Nhà nước; Dùng ngân sách Nhà nước xây cổng làng, dù là làng nghề hay làng gì đều không phù hợp. Thực tế, rất nhiều công trình dân sinh khác cần phải đầu tư không chỉ riêng ở Ninh Bình mà trên cả nước; Sao không ưu tiên sử dụng số tiền đó xây cầu cho các em học sinh vùng sâu vùng xa hàng ngày phải lội bộ cả chục cây số và phải đu dây qua sông để đến trường mà lại xây cổng làng cả chục tỷ như vậy lãng phí quá - Nhiều độc giả tâm tư.

Bạn đọc Thanhbinh nêu: Cổng làng mà ngân sách Nhà nước chi gần chục tỷ để xây thì bó tay với tỉnh Ninh Bình. Một sự lãng phí ngân sách Nhà nước.

Bạn Lò Đức Anh phân vân: Tưởng là tiền của dân làng đóng góp xây dựng lên cổng làng đẹp nhất nước thì mới là đáng phải quan tâm chứ dùng tiền ngân sách Nhà nước thì… không khâm phục.

Bạn Nguyễn Việt Phương tâm sự: Những người dân Ninh Bình không biết nên vui hay nên buồn đây? Còn tôi thấy xót xa quá…

Cổng được thiết kế xây dựng có quy mô hoành tráng, cao hơn 14m, rộng hơn 10m với kiến trúc cổng tam quan.
Cổng được thiết kế xây dựng có quy mô hoành tráng, cao hơn 14m, rộng hơn 10m với kiến trúc cổng tam quan.

Nhiều độc giả lại có quan điểm ủng hộ: Đẹp thật, thể hiện được tinh hoa của làng nghề, công trình này cũng là vĩnh cửu tuy có đắt đỏ những trường tồn vĩnh viễn, là niềm tự hào của quê hương và muôn đời con cháu mai sau; Đáng để lãng phí, một công trình mang đậm chất kiến trúc Việt Nam, giá trị văn hóa cao, thu hút khách du lịch, tạo điểm nhấn cho huyện, chất lượng tốt, tôi đồng tình với huyện này; 11 tỷ không là gì nếu nhiều người biết đến làng nghề đó hơn…

Xã hội hóa được mấy “ngày công”

Liên quan đến dự án xây dựng nêu trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư. Ông Hưng xác nhận, công trình cổng làng nghề đá Ninh Vân do UBND huyện làm chủ đầu tư, có quyết định phê duyệt từ năm 2012 với tổng số vốn trên 11 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác.

Dự án công trình cổng làng thi công từ năm 2012, dự kiến năm 2014 hoàn thành, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên vài năm sau đó mới đưa vào sử dụng được. Thời điểm xây dựng cổng, huyện Hoa Lư đang xây dựng nông thôn mới nên khó khăn về ngân sách, mỗi năm dành dụm một ít vốn để cố gắng hoàn thiện công trình cổng làng “có một không hai” này.

Toàn bộ nguồn vốn xây dựng cổng làng khủng đều do ngân sách Nhà nước chi trả.
Toàn bộ nguồn vốn xây dựng cổng làng "khủng" đều do ngân sách Nhà nước chi trả.

Về số vốn đã chi xây dựng cổng làng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư thông tin thêm, đến nay UBND huyện đã giải ngân thanh toán cho nhà thầu thi công số tiền 9,4 tỷ đồng giá trị xây lắp công trình. Số tiền còn lại vẫn đang được quyết toán.

“Công trình được đầu tư xây dựng với mục tiêu khôi phục, quảng bá làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có từ hàng trăm năm nay. Khi công trình hoàn thành sẽ kết hợp với phát triển du lịch làng nghề nhằm phát triển bền vững kinh tế địa phương”, ông Hưng cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo huyện Hoa Lư, từ khi cổng làng hoàn thành đã có rất nhiều du khách, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đến tham quan và đều khen ngợi công trình quy mô lớn, thể hiện bàn tay tài hoa của người thợ đá Ninh Vân. Đây là cũng là điểm nhấn văn hóa mang tính truyền thống của Việt Nam.

Được biết, cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có chiều cao 14,2m, kiến trúc cổng tam quan. Cổng chính giữa cao 10,5m, rộng 5,5m; hai cổng phụ hai bên cao 7,6m, rộng 1,4m xây dựng bằng khung cốt thép bê tông, xung quanh gắn đá xanh Ninh Vân. Hiện công trình vẫn đang do UBND huyện Hoa Lư quản lý.

Hoa văn tinh tế trên cột cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Hoa văn tinh tế trên cột cổng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.

Về ý kiến nhiều người dân cho rằng xây dựng cổng làng bằng tiền ngân sách lớn là lãng phí, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư nêu rõ, việc đầu tư công trình không hề lãng phí, được căn cứ định mức xây dựng, định mức đầu tư và đúng quy định của pháp luật. Quan trọng nhất vẫn là mục tiêu xây dựng công trình để quảng bá rộng rãi làng nghề đá Ninh Vân đến với du khách thập phương trong và ngoài nước.

Về số vốn huy động hợp pháp khác cho công trình, vị lãnh đạo huyện Hoa Lư thông tin, huyện không huy động được đồng nào, chủ yếu là người dân trong làng đóng góp được mấy ngày công, còn đâu là tiền ngân sách của địa phương chi trả hết.

Thái Bá