Xâm nhập “vương quốc” PMU18
Khái niệm “dân chủ” không có chỗ tồn tại ở PMU18. Mọi cá nhân, ai muốn tồn tại được thì hoặc là cúc cung tận tụy phục vụ theo yêu cầu của Dũng “tổng”, hoặc là “mũ ni che tai”, ai không chấp nhận nguyên tắc này đều phải trả giá.
Với những gì mà chúng tôi thu thập được trong quá trình điều tra về những tiêu cực ở PMU18 thì mới thấy đây rõ ràng là một “vương quốc” riêng. Lãnh đạo Bộ GTVT, người duy nhất có quyền lực thực sự ở đây là ông Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ ông Tiến từng là Tổng giám đốc PMU18 và là người bồi dưỡng, đào tạo Bùi Tiến Dũng.
Sau này, khi làm Thứ trưởng, ông Tiến vẫn là người phụ trách PMU18 suốt từ năm 1998 đến đầu năm 2005. Ông Tiến cũng là người được giao quản lý vốn ODA của Bộ GTVT vì thế không khó hiểu khi PMU18 được giao làm chủ đầu tư hầu hết các công trình sử dụng vốn ODA. Vì có lắm tiền, cho nên nơi đây, đồng tiền có tiếng nói quyết định và thể hiện sức mạnh tuyệt đối của nó.
Do Ban lãnh đạo của PMU18 hầu hết là vào một “cạ”, trong đó phải kể đến Nguyễn Ngọc Long, cháu ruột của ông Nguyễn Việt Tiến. Năm 1994, khi đang là Phó văn phòng PMU18, Nguyễn Ngọc Long đã bị Công an Hà Nội bắt và tạm giam 3 tháng nhưng sau đó đã được đình chỉ điều tra và rồi vẫn được lên Phó tổng giám đốc... Nguyễn Thị Thoa là em Nguyễn Ngọc Long đang là Phó phòng PID 3, rồi Nguyễn Sào Nam cũng là họ hàng với ông Tiến...
Với ngần đấy đệ tử và người nhà ở PMU18, trong tất cả mọi vấn đề bao giờ họ cũng tìm ra được “tiếng nói chung” - điều đó giải thích được câu hỏi rằng vì sao những tiêu cực của một số cá nhân PMU18 không bao giờ bị phanh phui, hoặc nếu có thì cũng “chẳng có gì nghiêm trọng”. Ngay một số vụ việc đã được thanh tra như vụ cầu Hoàng Long, Tổng thanh tra Nhà nước có kiến nghị phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT thời kỳ 1995-2002 và giao Bộ GTVT kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm đối với Tổng giám đốc PMU18, Cục trưởng Cục Giám định và các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Nhưng sau đó, mức xử lý kỷ luật chỉ là phê bình 2 tập thể là Phòng Triển khai dự án số 3 (PID3) và phòng Giải phóng mặt bằng; phê bình ông Lê Văn Chiến, Trưởng phòng PID3; phê bình kỹ sư Nguyễn Đình Chí và Nguyễn Văn Mưu là giám sát viên...
Tại PMU18, quyền lực tập trung vào Dũng “tổng”, Dũng “con”, Vũ Mạnh Tiên và một người cháu nữa của ông Tiến, trong đó, Dũng “tổng” là người cầm đầu và quyết định tất thảy.
Khái niệm “dân chủ” không có chỗ tồn tại ở PMU18. Mọi cá nhân, ai muốn tồn tại được thì hoặc là cúc cung tận tụy phục vụ theo yêu cầu của Dũng “tổng”, hoặc là “mũ ni che tai”, ai không chấp nhận nguyên tắc này đều phải trả giá. Một vụ điển hình đó là vụ kỹ sư Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật của PMU18 bị chém suýt chết.
Đầu năm 2002, cầu Phả Lại trên quốc lộ 18 không khánh thành kịp theo đúng tiến độ bởi lẽ một số nhà thầu đã làm ăn gian dối, lấy cắp vật tư. Để kịp khánh thành cầu vào ngày 3/2/2002, Bùi Tiến Dũng đã cho phép một số nhà thầu vá các vết nứt bằng cách... bơm keo.
Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật của PMU18 lúc đó đã thẳng thừng phản đối phương án, đồng thời báo cáo lên lãnh đạo Bộ GTVT về việc làm gian dối này. Nhưng không dừng ở đó, ông cũng đã báo cáo với một số người có trách nhiệm ở Bộ về những hành vi làm ăn gian dối của một số nhà thầu và sự dung túng, đồng lõa của Bùi Tiến Dũng. Lo lắng cho sếp, Phạm Tiến Dũng đã vài lần “nhắc nhở” ông Trung im lặng.
Khánh thành cầu ngày 3/2 thì ngày hôm sau, vào lúc 18h10, ông Trung đang đi xe máy trên đường Hoàng Quốc Việt, tới gần ngã tư đường Nguyễn Phong Sắc thì bị hai tên côn đồ chặn xe lại và chém vào bả vai. Khi ông Trung phải vào nằm viện thì Dũng “tổng” đến thăm và “gợi ý” rằng: “Có lẽ vụ này do thằng Trương Đình Hải thuê lưu manh trả thù”.
Trương Đình Hải, cũng là một cán bộ của Phòng Triển khai dự án 2 thuộc PMU18 bị côn đồ chém vào năm 1999. Hải với ông Trung không ưa nhau vì tính cách nhưng không có mâu thuẫn gì (?). Lời nói của Dũng “tổng” làm ông Trung lo sợ và sau đó, ông phải đi nơi khác.
Trương Đình Hải là kỹ sư ở Phòng Tư vấn giám sát. Vào thời điểm năm 1999, Hải được giao nhiệm vụ tư vấn giám sát ở công trình quốc lộ 18. Từ đầu năm 1999, do có nhiều khuất tất trong đấu thầu xây dựng một số cây cầu trên đường 18 nên các nhà thầu kiện nhau. Trương Đình Hải là người trong cuộc, tham gia tất cả các quy trình xét tuyển chọn nhà thầu nên hiểu rất rõ các trò làm ăn ma giáo của Bùi Tiến Dũng và ê kíp của ông ta. Chẳng hiểu sao Dũng “tổng” và Dũng “con” lại nghi cho Hải đã cung cấp tài liệu cho nhà thầu để tố cáo PMU18.
Ngày 13/5/1999, đột nhiên Vũ Mạnh Tiên, lúc đó là Phó văn phòng PMU18 gọi điện cho Hải, thông báo ý kiến của Dũng “tổng” là từ nay, hễ bước chân ra khỏi cơ quan là anh phải báo cáo Chánh văn phòng. Việc này làm Hải rất suy nghĩ và không hiểu vì sao như vậy. Anh làm ở bộ phận tư vấn giám sát chứ có thuộc quân số của Văn phòng đâu.
Ngày 17/5/1999, chiếc xe máy của anh Hải bị kẻ nào đó dùng kim châm nát bánh xe sau.
Ngày 19/5, chiếc xe lại bị đâm thủng cả hai bánh, yên xe bị rạch nát. Lúc này, xâu chuỗi lại sự việc, anh Hải mới giật mình lo sợ khi nghĩ rằng, rất có thể mình sẽ bị trả thù.
Rồi một buổi tối khi anh đang đi trên đường Mai Dịch thì có hai thanh niên đi xe máy chạy sát vào anh. Tên ngồi sau nói: “Nếu mày không câm mồm đi, chúng tao không để con mày yên đâu”.
Thế rồi đến chiều ngày 2/6/1999, trên đường đi làm về, qua đoạn đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Phong Sắc, Trương Đình Hải bị hai thanh niên đi xe máy vượt chèn sát vào vỉa hè. Một gã ngồi sau vung kiếm bổ thẳng xuống đầu Hải. Anh nhanh mắt né kịp nhưng mũi kiếm đã xẻ rãnh thái dương bên phải, làm đứt động mạch ở thái dương... nhát kiếm theo đà bổ xuống còn làm vỡ đồng hồ tốc độ.
Người dân xúm lại đưa anh đi vào viện cấp cứu. Hải bị khâu 4 mũi. Thế rồi khi Công an quận Cầu Giấy điều tra, Hải đã không ngần ngại chỉ đích danh những người mà anh nghi ngờ trong đó Dũng “tổng” đứng đầu, tiếp theo là Nguyễn Ngọc Long, Phạm Tiến Dũng và Bùi Đình Chiến (em Bùi Tiến Dũng, đang là lái xe ở PMU18).
Thế rồi không hiểu vì áp lực gì, Hải đã thay đổi lời khai. Vụ án sau đó được nhanh chóng khép lại, còn Trương Đình Hải lúc này có lẽ đã “chín chắn” hơn, cho nên vội vàng làm đơn xin chuyển khỏi PMU18.
Xã hội tồn tại ở PMU18 là một thứ“xã hội đen” và cách hành xử của một vài vị lãnh đạo ở đây cũng rặt tính chợ búa. Căn bệnh này có từ thời ông Nguyễn Việt Tiến.
Có lẽ từ trước đến nay, chưa có cán bộ nào khi chuẩn bị đề bạt lên cấp Thứ trưởng mà lại phải giải trình về 4 vụ gây gổ đánh nhau.
Ngày 21/2/1998, đồng chí Đỗ Quang Trung, Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ đã gửi công văn cho lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu làm rõ 5 vấn đề về ông Nguyễn Việt Tiến, trong đó:
- Năm 1993, do không đạt mục đích cá nhân, trong buổi liên hoan, mượn cớ say rượu gây gổ với đồng nghiệp tại Khu quản lý đường bộ 2.
- Năm 1994, ăn uống tại nhà hàng Thu Hằng, sau đó cùng 7 người khác quậy phá, gây rối trật tự công cộng, đã bị Công an quận Ba Đình tạm giữ 3 đêm 2 ngày và nhóm gây rối phải đền bù 5 triệu đồng cho người bị hại.
- Năm 1995, làm việc với địa phương, khi có ý kiến không đồng tình với ý kiến cá nhân, lợi dụng vai trò chủ quản đầu tư, quản lý vốn, đã có hành vi thiếu tư cách với đồng nghiệp (hắt bia vào người đồng chí Ngọ, Phó giám đốc Sở GTVT Long An).
- Năm 1996, gây gổ, có hành vi không văn hóa với đồng chí Dũng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Bắc Mỹ Thuận...
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thành lập các tổ kiểm tra đi xác minh lại những sự việc được tố cáo nhưng những người trong cuộc thì lại nói khác đi nhiều với tính chất vụ việc (?)
Sau đó, ông Tiến có làm bản kiểm điểm và bác bỏ tất cả những điều như nội dung đơn thư tố cáo và “tôi đã thực sự nghiêm túc kiểm điểm xem xét lại bản thân mình, kiên quyết sửa chữa và từ năm 1994 trở lại đây không để xảy ra các sự việc tương tự”(?!).
Nhưng ông Tiến đã giấu nhẹm vụ gây gổ đánh nhau đêm 23 tháng Chạp năm Ất Hợi (1995). Công an quận Hai Bà Trưng đã cho lập hồ sơ để xử lý ông Nguyễn Việt Tiến. Nhưng sau đó, chẳng ai bị xử lý cả.
Theo Như Phong
Công an nhân dân