1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xác định vị trí đặt trạm quan trắc môi trường không khí tự động

Thế Kha

(Dân trí) - Hiện có trên 50 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục trên địa bàn 19 tỉnh/thành phố đã được đầu tư xây dựng và vận hành.

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện có trên 50 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục trên địa bàn 19 tỉnh/thành phố đã được đầu tư xây dựng và vận hành. Bên cạnh đó, một số tỉnh cũng đang tiếp tục đầu tư và vận hành thử nghiệm các trạm quan trắc không khí tự động.

Tuy nhiên, việc đầu tư lắp đặt trạm có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương về số lượng, các tiêu chí xác định loại hình trạm, vị trí đặt trạm…

Xác định vị trí đặt trạm quan trắc môi trường không khí tự động - 1

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Để có cơ sở thống nhất trong việc đầu tư lắp đặt trạm quan trắc không khí một cách hiệu quả ở Trung ương và địa phương, gắn với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, ông Thức cho biết Tổng cục Môi trường đã dự thảo hướng dẫn thiết kế mạng lưới và xác định vị trí đặt trạm.

Tại cuộc hội thảo vừa diễn ra xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho rằng, nguyên tắc chung của việc thiết kế mạng lưới là phải đảm bảo tính đại diện cho chất lượng không khí của khu vực, gắn với quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và đáp ứng các yêu cầu về quản lý, kiểm soát, nâng cao chất lượng môi trường không khí. Đồng thời đáp ứng mục tiêu cung cấp số liệu để đánh giá và công bố hiện trạng, diễn biến chất lượng không khí xung quanh; cung cấp số liệu cho công tác nghiên cứu khoa học...

Học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, hướng dẫn đề xuất thiết kế mạng lưới quan trắc không khí tự động, liên tục tại Việt Nam bao gồm mạng lưới trạm quan trắc môi trường quốc gia và mạng lưới trạm quan trắc môi trường địa phương (cấp tỉnh). Mỗi mạng lưới quan trắc đều gồm nhiều loại hình trạm khác nhau.

Kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước cho thấy, số lượng trạm tối thiểu đối với mạng lưới quan trắc môi trường không khí tự động quốc gia được thiết kế theo diện tích khu vực (lưới ô vuông).

Xác định vị trí đặt trạm quan trắc môi trường không khí tự động - 2

Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục ở Hà Nội (Ảnh: Hànộimới).

Với mật độ trạm quan trắc theo thiết kế lưới, kết hợp với mạng lưới trạm của các địa phương vẫn đảm bảo cung cấp dữ liệu đủ để đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng không khí cũng như dự báo ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Ngoài ra, do mục đích chính của mạng lưới quan trắc không khí cấp tỉnh là đánh giá mức độ ô nhiễm điển hình trong các khu dân cư, mức độ ô nhiễm gần các nguồn thải (nguồn thải điểm và nguồn thải dạng đường) nên mạng lưới bao gồm các loại trạm như trạm đô thị, trạm nông thôn, trạm công nghiệp, trạm ven đường.

Mạng lưới quan trắc không khí cấp tỉnh chủ yếu bao gồm các trạm tại các khu vực đô thị, nơi có đông dân cư và vấn đề ô nhiễm không khí thường nghiêm trọng hơn so với các khu vực khác. Vì vậy, loại trạm đô thị cần chiếm ít nhất 70% trong tổng số các trạm quan trắc không khí.

Theo bà Ánh, để xây dựng được một mạng lưới trạm quan trắc tự động cần phải thực hiện các nghiên cứu đối với từng khu vực cụ thể. Trạm nền đặt tại các khu vực có ít tác động nhất từ các nguồn khí thải; vị trí đặt trạm có thể là các ngọn núi thuộc các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; có thể đặt tại các hòn đảo. Trạm tổng hợp có thể đặt tại các khu vực ít chịu tác động của các nguồn thải cục bộ để đánh giá chất lượng không khí của một khu vực rộng lớn…