Xác định 2 tuyến metro nối sân bay Tân Sơn Nhất với Long Thành
(Dân trí) - Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành thông qua 2 tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 6.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND TPHCM và Đồng Nai có ý kiến đối với báo cáo của Bộ Xây dựng về phương án đầu tư tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành.
Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp các ý kiến, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/4, lưu ý việc triển khai phải bảo đảm nguyên tắc hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kết nối với đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành thông qua tuyến metro số 2 (M2 - kết nối tại ga Thủ Thiêm) và tuyến metro vành đai số 6 (M6 - kết nối tại ga Phú Hữu) (Đồ họa: UBND TPHCM).
Trước đó, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TPHCM nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Theo đó, TPHCM xác định 2 tuyến metro sẽ kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Thứ nhất là tuyến số 6 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành tại nút giao Phú Hữu, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Thứ 2 là tuyến metro số 2 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, quy hoạch TPHCM xác định tuyến metro số 2 và số 6 do UBND TPHCM chủ trì đầu tư; riêng tuyến Thủ Thiêm - Long Thành là đường sắt đô thị do Bộ Xây dựng đầu tư. Bộ Xây dựng cho rằng các dự án này phải đầu tư hoàn thành đồng thời, cùng công nghệ và do một chủ thể duy nhất tổ chức vận hành khai thác.
Vì sao phải kết nối 2 sân bay?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tin tưởng việc kết nối 2 sân bay của vùng đô thị TPHCM bằng một tuyến tàu điện sẽ giúp phát huy hiệu quả khai thác.
Tại các thành phố lớn trên thế giới, việc sử dụng tàu điện ngầm, tàu cao tốc để trung chuyển hành khách là rất phổ biến, ví dụ giữa sân bay Don Mueang và Suvarnabumi của Bangkok (Thái Lan), giữa sân bay Haneda và Narita của Tokyo (Nhật Bản), giữa sân bay Đại Hưng và sân bay Thủ đô của Bắc kinh (Trung Quốc).
"Việc này sẽ giảm lưu lượng xe trên đường và tăng hệ số sử dụng phương tiện giao thông đại chúng, đặc biệt là hành khách sẽ đảm bảo được thời gian trung chuyển giữa các chuyến bay ở 2 sân bay khác nhau vì không lo kẹt xe", vị này cho biết.