1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc Trăng:

Xã nghèo quay quắt trong hạn, mặn

(Dân trí) - Những ngày này, về xã Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi chứng kiến hình ảnh về nỗi "quay quắt" của người dân nơi đây trong cơn hạn, mặn lịch sử.

Theo ông Trần Văn Thuận- Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Phú, cho biết, xã thuộc chương trình 135 của Chính phủ, có đến 73,12% người dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,3%. Trong cơn hạn mặn lịch sử này, xã Long Phú có 200ha lúa bị hư hỏng hoàn toàn, ước tính số tiền thiệt hại lên đến trên 2 tỷ đồng. Xã có 9 ấp thì 8/9 ấp bị thiệt hại; trong đó ấp Phú Đức thiệt hại nhiều nhất với diện tích 56,5ha; gia đình bị thiệt hại nhiều nhất là hộ ông Trần Văn Lành với 9,1ha.

Nhiều cánh đồng hiện nay vẫn còn nhiều diện tích lúa bị cháy khô do không có nước tưới. Có hộ xuống giống được hơn một tháng là bỏ vì không dám tưới nước nhiễm mặn; có hộ vẫn đeo theo lúa nên khi lúa trỗ thì bị lép hết. Nhiều diện tích trồng hoa màu như cà chua, dưa,… cũng bị hư hoàn toàn do thiếu nước tưới.

Lúa thất thu nên người dân đốt bỏ.
Lúa thất thu nên người dân đốt bỏ.
Rẫy cà chua chết khát.
Rẫy cà chua chết khát.
Kênh rạch trơ đáy.
Kênh rạch trơ đáy.

Không chỉ thiếu nước trong sản xuất, theo ông Thuận, nhiều hộ dân ở một số ấp trong xã cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng như các ấp Kinh Ngang, Phú Đức, Mười Chiến.

Tại ấp Phú Đức, theo phản ánh của bà con, nhiều năm qua gần 100 hộ dân ở ấp này không có nước sạch sử dụng, đa số bà con sử dụng cây nước bơm tay bị nhiễm phèn và nguồn nước sông bị nhiễm mặn, ô nhiễm trầm trọng. Còn nguồn nước mặt ở các kênh rạch thì bị ô nhiễm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xác gia súc, gia cầm do người dân thiếu ý thức vứt bỏ xuống kênh rạch nhưng bà con vẫn phải sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt.

Người dân ở ấp Phú Đức lấy nước nhiễm mặn sử dụng.
Người dân ở ấp Phú Đức lấy nước nhiễm mặn sử dụng.

Theo ông Thuận, ở xã Long Phú cũng có trạm cấp nước sạch cho người dân nhưng do các ấp này ở xa nên chưa có điều kiện để kéo nước về. Một số hộ khoan cây nước nhưng không sử dụng được vì nhiễm phèn, mặn, dư lượng sắt cao nên bà con đành phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Bà Trịnh Thị Thu Ngân (ngụ ấp Phú Đức) cho biết: “Chúng tôi không có nước sạch nên chủ yếu múc nước dưới sông lên lóng phèn cho trong để sử dụng, riêng nước dùng nấu ăn và uống thì phải mua nước đóng bình. Những ngày qua, người dân biết nước sông bị nhiễm mặn, bị ô nhiễm nhiều nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước nào khác. Tắm bằng nước này ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ đầy cả người, còn giặt quần áo thì không có bọt xà phòng dù đổ rất nhiều”. Cũng theo bà Ngân, bà con phải mua nước đóng bình với giá 10.000 đồng/bình để sử dụng. Nhà ít người thì một bình sử dụng được 2 ngày, còn nhà nào nhiều người thì một ngày phải từ 1- 2 bình. Tính ra, chỉ tiền mua nước để ăn uống, mỗi tháng bà con cũng phải tốn hàng trăm ngàn đồng.

Điều đáng nói, trên dòng sông ở ấp Phú Đức có nhiều hộ nuôi vịt, nuôi heo, bò ở hai bên bờ. Tất cả chất thải của vật nuôi đều được tuôn xuống đây gây ô nhiễm nguồn nước, nhiều người dân sử dụng nước bị ô nhiễm này nên phải chịu các loại bệnh, nhất là các bệnh về đường ruột, ghẻ lở, dị ứng da, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, đa số người dân ở ấp Phú Đức đều là hộ nghèo, chủ yếu sống bằng làm thuê, làm mướn hàng ngày.

Còn ở ấp Kinh Ngang, hiện có khoảng 50 hộ không có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, không có luôn nước kênh rạch để sử dụng như ở các ấp khác. Ông Kim Hol (66 tuổi) nói: “Mấy tháng nay, kênh rạch khô kiệt, bà con chúng tôi người thì mua nước đóng bình, người thì mua nước sạch của hộ khác từ đường ống của trạm cấp nước nên chi phí tốn kém nhiều hơn”.

Nước dưới kênh múc lên rồi lóng phèn cho trong để sử dụng.
Nước dưới kênh múc lên rồi lóng phèn cho trong để sử dụng.

Do ấp Kinh Ngang nằm cách biệt với các ấp khác nên chưa được kéo đường ống nước sạch từ trạm cấp nước ở xã về. Những tháng qua, để có nước sử dụng, nhiều hộ phải mua nước sạch từ đường nước của hộ dân khác với giá 1.500 đồng/can loại 30 lít. Tính ra, mỗi mét khối nước người ta bán cho bà con sử dụng với giá 50.000 đồng, trong khi đó, giá do trạm cấp nước thu của hộ này là 4.800 đồng/m3.

Ông Hol nói thêm: “Chúng tôi phải mua nước về sử dụng trong gia đình, từ tắm giặt cho đến ăn uống. Bình quân mỗi ngày tôi phải đi mua khoảng 15 can về mới tạm đủ cho cả nhà 7 người sử dụng. So với nước đóng bình thì nước máy rẻ hơn nhiều. Ở ấp Kinh Ngang không thể khoan cây nước vì nước không thể sử dụng được. Bà con chúng tôi mong sớm được kéo nước sạch về sử dụng chứ khổ lâu quá rồi”.

Người dân ấp Kinh Ngang đang mua nước về sử dụng.
Người dân ấp Kinh Ngang đang mua nước về sử dụng.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Phú Trần Văn Thuận cho biết: “Trước tình trạng bà con thiếu nước sạch sử dụng, chính quyền địa phương kiến nghị đến lãnh đạo các cấp và ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết để bà con sớm có nước sạch sử dụng. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ xây dựng thêm 1 trạm cấp nước tại ấp Phú Đức, để có nước sạch cho người dân sinh hoạt”.

Khi nghe chúng tôi thông báo tình trạng thiếu nước sạch của người dân ở ấp Phú Đức, Mười Chiến và Kinh Ngang, ông Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết “Chúng tôi sẽ cho người khảo sát, nếu đúng như vậy thì Trung tâm sẽ cho xe chở nước sạch cung cấp miễn phí cho bà con ngay”. Cụ thể, nếu người dân ở địa phương không có nước sạch sử dụng, bà con báo cho chính quyền địa phương để chính quyền báo với Trung tâm thì Trung tâm sẽ cung cấp nước sạch miễn phí cho bà con sử dụng kịp thời trong mùa hạn này.

Bạch Dương