1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn "bỏ bê" dân?

Công Bính

(Dân trí) - Từ khi xả lũ gây thiệt hại nặng, đến nay đã hơn 3 tháng nhưng lãnh đạo Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 vẫn chưa 1 lần xuống nhà dân thăm hỏi, hỗ trợ… Người dân và chính quyền địa phương rất bức xúc.

Gần tết vẫn phải đi ở nhờ

Ngôi nhà của anh A Lăng Dương (38 tuổi, thôn Bến Giằng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) trước đây giờ là bãi đất trống được anh rào tôn lại, anh và vợ con đành phải đi ở nhờ đã hơn 3 tháng mà vẫn chưa được đền bù để làm lại nhà cửa.

Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 1

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ cao điểm lên đến hơn 7.000m3/s vào ngày 28/10/2020 gây thiệt hại nặng cho vùng hạ du

Anh Dương nhớ lại, ngày 28/10/2020, cả gia đình đang chạy tránh bão thì nước Sông Thanh dâng rất cao do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Tất cả đồ đạc trong nhà bị trôi theo nước lũ, ngôi nhà cũng bị sập và trôi hoàn toàn.

Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 2

Nhà anh A Lăng Dương hiện giờ là bãi đất trống. Không biết đến bao giờ anh mới nhận được tiền đền bù để làm lại nhà

Sau khi bão lũ xảy ra, nhà anh chẳng còn gì, đến giờ đã hơn 3 tháng, cả gia đình anh vẫn còn đi ở nhờ nhà người thân. "Hơn 3 tháng rồi, không nghe họ nói gì hết trơn. Giờ chỉ muốn thủy điện Đăk Mi 4 đền bù cho dân chúng tôi trước Tết để ổn định cuộc sống", anh A Lăng Dương nói.

Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 3

Mảnh đất của ngôi nhà anh giờ được quây tôn lại, chờ đền bù. Hiện anh vẫn còn ở nhờ nhà người quen

Cạnh nhà anh A Lăng Dương là anh A Lăng Giới cũng bị trôi nhà cửa đồ đạc gần như hoàn toàn. Anh nhớ lại: Chiều hôm đó, cả nhà đang đi tránh bão ở nhà người thân trên đồi. Khi hết bão về nhà thì nước đã vào nhà đến tới ngực, tất cả đồ đạc trong nhà đều bị dòng lũ dữ do thủy điện xả lũ cuốn trôi.

Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 4

Nhà bếp của anh A Lăng Giới bị sập hoàn toàn, phía sau là ngôi nhà chính của anh cũng bị hư hỏng nặng

Ngôi nhà bếp của gia đình anh bị sập hoàn toàn, còn nhà trên thì hư hỏng hơn 90%. Đồ đạc, lương thực trong nhà bị nước ngập hư hỏng, không còn gì; vở sách của con, quần áo của gia đình cũng bị hư hỏng…

"Xả lũ mà chúng tôi không được báo trước, người dân rất bất ngờ vì đang đi tránh bão. Chúng tôi yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 phải đền bù trước Tết cho xứng đáng đối với những hộ dân bị thiệt hại nặng nề. Hơn 3 tháng rồi mà chúng tôi chưa nhận được đền bù gì hết", anh A Lăng Giới bức xúc.

Anh A Lăng Giới cũng nói thêm, nếu Đăk Mi 4 không đền bù xứng đáng cho dân, bà con sẽ xuống huyện, xuống tỉnh để đòi quyền lợi cho mình.

Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 5
Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 6

Nhà anh A Lăng Giới tan hoang

Điều bức xúc nhất của người dân là, sau khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại lớn cho hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, chỉ có chính quyền địa phương và nhà hảo tâm đến hỗ trợ bà con, còn lãnh đạo nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 thì không thấy đâu. Người dân cho biết, họ cũng được mời họp 1-2 lần nhưng việc đền bù, hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu.

Thiệt hại quá nhiều nên mất nhiều thời gian?

Theo báo cáo của huyện Nam Giang, toàn huyện có 823 hộ bị thiệt hại do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ.

Theo đó, thiệt hại do bà con tự kê khai số tiền hơn 41,5 tỷ đồng; còn sau khi cơ quan chức năng áp giá đền bù thì số tiền còn hơn 19,3 tỷ đồng. Ngày 29/1/2021, UBND huyện Nam Giang cũng đã báo cáo UBND tỉnh kết quả sơ bộ về rà soát, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra kết hợp với thủy điện Đắc Mi 4 xả lũ.

Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 7
Xả lũ gây thiệt hại nặng, 3 tháng sau thủy điện Đăk Mi 4 vẫn bỏ bê dân? - 8

Nhà của nhiều hộ dân ở thôn Bến Giằng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang cũng tan hoang

Vì sao đã hơn 3 tháng, người dân vẫn chưa nhận được đền bù, trong khi Tết Tân Sửu đã cận kề? Theo ông A Vô Tô Phương - Phó Chủ tịch huyện Nam Giang, do số lượng hộ dân bị ảnh hưởng quá nhiều, phải kê khai bổ sung nhiều lần tuy nhiên các thôn, xã không sàng lọc, tổng hợp bằng máy mà gửi về tổ công tác tổng hợp nên việc thống kê thiệt hại mất rất nhiều thời gian.

Nhiều hộ dân bổ sung, sửa đổi danh mục thiệt hại nhiều lần; việc nộp các bảng thống kê thiệt hại của các hộ không được tập trung mà thành nhiều đợt nên khó khăn trong công tác thống kê, tổng hợp.

Anh A Lăng Dương và A Lăng Giới mong nhận được đền bù để làm lại nhà

Việc xây dựng giá hỗ trợ được thực hiện trên cơ sở tham khảo các hướng dẫn của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình khai báo danh mục thiệt hại không nằm trong quy định nên phải khảo sát đơn giá ngoài thị trường.

Bên cạnh đó, số liệu ước thiệt hại của các hộ chủ yếu là theo định tính, chỉ ước lượng giá trị thiệt hại, không có đơn giá rõ ràng gây khó khăn khi nhập số liệu.

Mặt khác, các hộ ở xa khu dân cư, thời gian kiểm tra, rà soát ngắn nên khó xác định chính xác mức độ thiệt hại của các hộ dẫn đến việc áp giá mang tính tương đối, không thể chính xác 100% được.

Sau khi áp giá hỗ trợ, có sự chênh lệch lớn giữa mức tiền các hộ đề xuất và kết quả áp giá do các hộ không xác định rõ mức độ, giá trị tài sản bị thiệt hại nên kê khai với mức tiền lớn (bằng giá mua sắm ban đầu) trong khi nhiều vật dụng chỉ cần sửa chữa với chi phí không cao; nhiều hộ kê khai không ghi rõ mức thiệt hại, số lượng thiệt hại; ngoài ra, danh mục thiệt hại đôi khi còn chưa rõ ràng; một số danh mục các hộ kê khai rất khó kiểm chứng (tiền mặt...) rất khó khăn trong việc phân loại, áp giá, xác định mức hỗ trợ.

"Khối lượng công việc nhiều, nhiều hộ dân ở xa nên việc đánh giá, rà soát phải mất nhiều thời gian mới đảm bảo tính chính xác; mặt khác, trong quá trình kiểm tra, rà soát, để đảm bảo tính xác thực trên cơ sở chỉ đạo của huyện, đoàn công tác đề nghị các hộ dân phải tự ghi bản cam kết thiệt hại đúng thực tế", ông A Vô Tô Phương cho hay.

Điều đáng nói nhất, theo ông Nguyễn Văn Chương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Giang, từ khi xảy ra việc xả lũ gây thiệt hại cho hàng trăm hộ dân đến nay, lãnh đạo nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 không xuống để động viên người dân.

Cũng theo ông Chương, thủy điện Đăk Mi 4 chỉ cử 2 cán bộ xuống làm việc với huyện chứ chưa hề hỏi han đến những mất mát của người dân.

Về tiến độ chi trả cho dân, ông Nguyễn Văn Chương cho hay chắc chắn sẽ không thể hoàn thành trước Tết vì còn nhiều vấn đề liên quan, nhất là từ phía chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đăk Mi 4. Trong tuần này, huyện đã gửi văn bản cho tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó người dân thống nhất mới có thể chi trả.