1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Xã “cả tin”, gần 300 hộ dân có nguy cơ mất sổ đỏ

(Dân trí) - Chính quyền xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) gần 4 năm trước do tin lời hứa của một giáo viên về dự án tổ chức phi chính phủ, đã kêu gọi hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của dân để giao cho người này.

Tới nay gần 4 năm trôi qua, 298 hộ dân không biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (GCNQSDĐ) của mình đang ở đâu. Còn chính quyền xã giờ mới biết mình bị lừa.

Dân đòi, xã bảo đợi!

Tháng 11/2009, ông Hà Thanh Khang, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, được ông Đỗ Văn Bằng ở khu phố 4, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (giáo viên cấp 3 trường Cầm Bá Thước đóng trên địa bàn) đặt vấn đề có quen biết với Công ty CP xây dựng và phát triển rừng Hoàng Hà (có địa chỉ ở Hà Nội) đang có dự án đầu tư phát triển rừng đầu nguồn tại 12 tỉnh miền Trung, với số tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng là 200.000 đồng/ha/năm, nên đề nghị xã thu gom sổ đỏ để đi làm dự án.

Một trong những người dân bị lừa mất sổ đỏ
Một trong những người dân bị lừa mất sổ đỏ

Ông Khang đã chỉ đạo cấp dưới kêu gọi các hộ dân trong xã bàn giao lại GCNQSDĐ cho chính quyền với hy vọng về một khoản tiền hỗ trợ chăm sóc rừng khi nhiều dự án sắp về đây. Tuy nhiên nhiều năm trôi qua, lợi ích chẳng thấy, GCNQSDĐ của dân chẳng biết đã đi đâu. Người dân nhiều lần lên hỏi UBND xã nhưng đều nhận được câu trả lời: Chờ thêm ít bữa nữa, lãnh đạo cũng đang đi đòi.

Ông Lương Công Lê, thôn Trung Chính, bức xúc: “Nhà tôi có 12 ha rừng, nguồn sống chủ yếu của gia đình là ở rừng. Bây giờ muốn đầu tư, cải tạo cũng không biết vay mượn được, bìa đỏ thì xã thu mấy năm rồi, chúng tôi chỉ mong sao xã lấy lại  để tôi vay ngân hàng, đầu tư sản xuất nuôi sống gia đình”.

Anh Lương Văn Thắng cùng thôn ngậm ngùi: “Sau khi xuất ngũ về địa phương, tôi đã cải tạo trồng keo, luồng được 6ha. Năm 2000, Nhà nước cấp bìa đỏ cho gia đình với thời hạn 50 năm. Năm 2009, thôn thông báo xã thu bìa đỏ đi làm dự án hỗ trợ về trồng, sản xuất lâm nghiệp. Nhưng từ đó đến nay, mòn mỏi chờ đợi tiền dự án chẳng thấy, bìa đỏ cũng mất tích luôn. Hỏi xã thì chỉ nhận được câu trả lời “chúng tôi đang đi đòi”. Chúng tôi rất lo lắng, không yên tâm sản xuất”.

Theo báo cáo mới nhất ngày 16/8 của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 601 GCNQSDĐ đã bị một số đối tượng thu gom, liên quan đến việc trồng rừng và bảo vệ rừng, hiện vẫn chưa thu hồi được. Trong đó nhiều nhất là huyện Lang Chánh 153 hộ, Quan Sơn 103 hộ và Thường Xuân 298 hộ…

Ngày 13/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Thanh Khang, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, cho biết: “Thấy anh Bằng là người địa phương, lại là giáo viên, nên chúng tôi rất tin tưởng khi anh Bằng tới đặt vấn đề có quan hệ với công ty ngoài Hà Nội, nếu tham gia dự án sẽ được hỗ trợ tiền. Chờ mãi không thấy dự án triển khai, nhận thấy tình hình không ổn, xã đã báo cáo lên UBND huyện, công an huyện Thường Xuân để có hướng giải quyết”.

Dự án “ma”!

Sau khi có được hàng trăm bìa đỏ của dân, ông Bằng bắt tay với Nguyễn Ngọc Thân (phố Điền Lư, huyện Bá Thước, cũng đã gom được hơn 10 bìa đỏ) bàn giao toàn bộ cho Công ty TNHH Cơ khí vận tải An lợi (địa chỉ xóm 4, Mỹ Đồng, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Không rõ số sổ đỏ này chạy "loanh quanh" kiểu gì mà rơi vào tay bà Bùi Thị Phi Nga (số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội). Sau đó bà Nga bàn giao lại cho Công ty CP Chuyển giao công nghệ ASEAN (263 Âu Cơ, phường Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội). Trong biên bản giao nhận hồ sơ ngày 22/6/2010 giữa bà Nga và công ty ASEAN có nội dung: “Bên A, giao cho bên B một số diện tích của các tỉnh (Lâm Đồng, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Vũng Tàu) với tổng diện tích 111.547,204 ha. Có bảng danh sách kèm theo, để bên B tìm kiếm, khai thác nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng không hoàn lại”.

Cũng theo ông Khang thì UBND xã Xuân Cẩm đã nhiều lần liên hệ với đối tác nhưng không được, nên ngày 20/6/2012, xã đã có báo cáo và đề nghị gửi công an huyện Thường Xuân với nội dung: “... Từ ngày ký hợp đồng đến nay, dự án không được thực hiện, số bìa đỏ anh Bằng cũng không trả lại. UBND xã Xuân Cẩm đã 3 lần gửi công văn cho phía công ty nhưng không có hồi âm. Xã cũng đã nhiều lần làm việc với anh Bằng nhưng anh ta trả lời là dự án đang chờ phê duyệt vốn để thực hiện. Số bìa đỏ đang ở công ty. Qua sự việc trên, chúng tôi xét thấy việc làm của anh Bằng có dấu hiệu lừa lấy số GCNQSDĐ lâm nghiệp của nhân dân đi làm việc riêng cá nhân. Hiện nhân dân trong xã đang khẩn thiết đề nghị trả lại bìa đỏ để thực hiện dự án trồng rừng. Vậy, UBND xã Xuân Cẩm báo cáo và đề nghị công an huyện Thường Xuân vào cuộc, điều tra làm rõ, thu hồi GCNQSDĐ lâm nghiệp trả lại cho nhân dân trong xã”.

“Đích thân tôi cùng với công an huyện đã một vài lần ra Hà Nội để tìm số sổ lâm nghiệp trên cho người dân, phía công ty ASEAN cũng như bà Phi Nga hứa sẽ trả sớm, nhưng đã hơn 1 năm nay vẫn không thấy đâu” - ông Khang phân trần.

Ông Hà Thanh Khang - Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm
Ông Hà Thanh Khang - Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết: “Sự việc xảy ra huyện hoàn toàn không biết, tôi nhiều lần tiếp xúc cử tri ở xã này nhưng không hề thấy ai nói về việc này. Mãi đến tháng 3 vừa qua, thấy UBND có chỉ đạo huyện mới biết. Do nhận thức của cán bộ xã chưa tốt, hơn nữa cũng chỉ vì họ tin sẽ mang tiền về được cho dân theo lời nói của kẻ đi mồi chài”.

“Chúng tôi cũng đã yêu cầu công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ việc này, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm trước tập thể, làm rõ trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm. Nếu trường hợp xấu nhất không lấy được sổ lâm nghiệp, huyện sẽ ra quyết định hủy toàn bộ số sổ trên và cấp lại cho người dân, đúng theo quy định của pháp luật” - ông Xuân cho biết thêm.

 Nguyễn Thùy