Anh Phan Liêm (46 tuổi, ở quận Tân Phú, TP. HCM) từng trồng cây cảnh ở ban công để trang trí nhà cửa. Khi tham gia một số hội nhóm làm vườn để học hỏi kinh nghiệm, anh thấy nhiều người chia sẻ các giống rau trái lạ hay có khổng lồ nên rất thích thú.
Năm 2018, anh quyết định cải tạo sân thượng, làm thành khu vườn trồng rau sạch để cung cấp thực phẩm cho gia đình. Vất vả vận chuyển nguyên vật liệu từ tầng 1 lên tầng 4 rồi làm giàn, sắp xếp không gian, sau gần 2 tháng, anh đã hoàn thiện vườn và bắt đầu gieo trồng các giống rau trái. Sân thượng rộng khoảng 60m2. Ngoài những giống ngắn ngày như rau muống, mồng tơi, rau dền, cải các loại,... anh còn bắc giàn trồng những cây thân leo như bầu, bí, mướp, khổ qua,... Đặc biệt, ông bố 2 con còn thử sức với cả các giống cây "khổng lồ". Năm ngoái, anh trồng thử nghiệm giống bí đao "khủng" trong thùng xốp. Tuy chỉ trồng một cây nhưng thu hoạch được hơn 20 trái. Trái to nhất nặng 34.4kg.
Giống bầu hồ lô cũng được gia chủ trồng thành công trên sân thượng. Mỗi trái có thể nặng đến 10kg nhưng để nấu ăn, anh Liêm thường hái khi bầu còn non, nặng khoảng 3kg.
Ngoài ra, trong vườn còn nhiều giống "khủng" khác như khổ qua (mướp đắng) trắng to gần bằng chai nước ngọt loại 1.5 lít, mướp thước dài hơn 1m hay nha đam "khổng lồ", cải kale lá siêu to,... Khu vườn được gia chủ quy hoạch gọn gàng, sắp xếp hợp lý giúp tối ưu diện tích để trồng nhiều loại rau trái. Anh cũng chú trọng chất lượng hơn số lượng nên chỉ trồng mỗi loại một ít, đủ cung cấp nguồn thực phẩm sạch đa dạng cho gia đình. Từ một người không có kinh nghiệm, sau 3 năm làm vườn sân thượng, anh Liêm đã học hỏi được nhiều kiến thức, áp dụng thành công vào thực tế. Tính đến nay, trong vườn có khoảng vài chục giống rau trái, cho thu hoạch thường xuyên. Để tiết kiệm diện tích làm giàn, anh trồng mướp thước trong thùng sơn. Khi mướp bắt đầu đâm nhánh bò, anh cắt bớt những nhánh phụ, chỉ giữ lại nhánh chính. Cây dài đến đâu, anh lại quấn thân cây thành vòng tròn bằng với diện tích thùng sơn. Để khu vườn luôn tươi tốt, anh sử dụng 50% đất thịt, còn lại bổ sung thêm trấu, xơ dừa, vỏ trứng để tăng độ tơi xốp. Rau trái trong vườn cũng được cung cấp thêm dinh dưỡng từ phân trùn quế, phân gà hay phân tự ủ từ rác nhà bếp. Mỗi loại cây trồng đều được chủ vườn chăm sóc theo những cách khác nhau, phù hợp đặc tính từng cây. Với cây có trái "khổng lồ", anh đục lỗ thoát nước bên hông chậu, cách đáy tầm 5cm. Dưới đáy thùng hoặc chậu được lót một lớp xỉ than để dự trữ nước và chất dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ nước và phân bón dự trữ cho cây trong những ngày trời nắng. Riêng cây ăn trái thân gỗ thì phải đục lỗ thoát nước dưới đáy để không làm đọng nước, gây hỏng thối rễ cây. Mỗi ngày, anh thường dành 2-3 tiếng buổi sáng và 1-2 tiếng buổi chiều để chăm sóc khu vườn và thu hoạch rau trái. Với những loại ăn lá, ông bố 2 con thường tranh thủ tưới nước vào khoảng 4 -5 giờ chiều. Theo kinh nghiệm của anh, chỉ tưới ở phần gốc, không phun nước lên lá và tránh tưới vào buổi tối để tránh tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển. Ở mỗi góc vườn, gia chủ cũng đặt những chai nhựa có chứa hạt long não, tạo mùi hương để đuổi được bọ xít và ruồi vàng hay đục trái, hạn chế các loài côn trùng gây hại.
Từ khi có khu vườn sân thượng, gia đình anh không còn phải đi chợ mua rau thường xuyên, đồng thời có thêm chốn thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Lượng rau trái thu hoạch được không chỉ đủ cung cấp trong gia đình mà còn được gia chủ mang đi biếu tặng người thân, bạn bè và hàng xóm.