1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vững vàng nơi cửa ngõ Thủ đô

Mùa khô năm 1972, huyện Phú Xuyên với Cầu Giẽ - huyết mạch giao thông vận tải cho chiến trường cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, áo giáp chở che "Trái tim hồng" của Tổ quốc liên tục bị máy bay giặc Mỹ oanh tạc…

Từ tháng 6/1972 đến tháng 10/1972, Phú Xuyên trở thành "túi bom" của giặc Mỹ. Có ngày như ngày 23/6/1972, không quân Mỹ huy động 22 máy bay đánh phá vào khu vực Nhà máy Đường, Cầu Giẽ, Đại Xuyên. Riêng Nhà máy Đường đã có 53 người chết, 20 người bị thương, nhà máy phải ngừng hoạt động một thời gian.

 

Đế quốc Mỹ sử dụng máy bay, bom đạn tối tân như bom từ trường, bom xuyên đánh phá Cầu Giẽ, các nhà máy, khu xăng dầu. Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) huyện Phú Xuyên đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không đánh trả máy bay địch, bảo vệ vững chắc các mục tiêu.

 

Cầu Giẽ vẫn hiên ngang nối nhịp chở những chuyến hàng cho miền Nam ruột thịt. Nhà máy Đường vẫn nhộn nhịp vào ca… Hai chiếc máy bay hiện đại của Mỹ phải cắm đầu xuống đất trước pháo cao xạ của bộ đội, dân quân Cầu Giẽ và tự vệ Nhà máy Đường.

 
Bộ đội tên lửa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong những ngày cuối tháng 12/1972.
Bộ đội tên lửa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong những ngày cuối tháng 12/1972.
 

Đêm ngày 18/12/1972, không quân Mỹ mở chiến dịch Linebacker II đánh phá Hà Nội - Hải Phòng. Chúng huy động pháo đài bay B52 kết hợp với lực lượng không quân điên cuồng đánh phá Hà Nội… LLVT huyện Phú Xuyên với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, sẵn sàng bước vào cuộc đọ sức lịch sử với không quân Mỹ - bảo vệ bầu trời Thủ đô yêu dấu, bảo vệ huyết mạch giao thông.

 

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Huyện ủy, Huyện đội Phú Xuyên đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị dân quân tự vệ, xây dựng củng cố công sự, trận địa, ngụy trang, nghi binh, giúp bộ đội phòng không mang pháo cao xạ 37mm vào trận địa đón lõng hướng bay của không quân địch.

 

LLVT Phú Xuyên tăng cường hệ thống đài quan sát, báo động, thả kinh khí cầu, gài thêm thuốc nổ, buộc máy địch phải nâng độ cao, tạo điều kiện cho bộ đội phòng không, không quân của ta tiêu diệt máy bay địch.

 

Ngày 22/12/1972, địch huy động nhiều tốp máy bay đánh vào Cầu Giẽ. Đơn vị D3 của tỉnh kết hợp với LLVT huyện phối hợp với bộ đội phòng không chiến đấu ngoan cường, mưu trí, đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ, bắt sống tên Trung tá Wilyam Oanto Coclie…

 

Suốt trong 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động 92 lần máy bay ném bom vào các trọng điểm trên địa bàn Phú Xuyên. Chúng đã bắn tên lửa, rốc két tàn phá khu vực Nhà máy Đường Vạn Điểm và Cầu Giẽ, giết hại nhiều người dân vô tội.

 

Nhưng mỗi tấc đất Phú Xuyên là một pháo đài, mỗi người Phú Xuyên là một chiến sĩ. LLVT và nhân dân huyện Phú Xuyên đã góp phần cùng với quân dân cả nước đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 của Mỹ, bảo vệ bầu trời phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Tên tuổi những chàng trai Cầu Giẽ, trung đội nữ du kích Phú Yên, những cô pháo thủ làng Chanh còn sáng mãi cùng với mảnh đất Phú Xuyên anh hùng.

 

Chiến dịch Linebacker II của Mỹ bị thất bại thảm hại trước những con người nhỏ bé mà anh hùng ở Việt Nam. LLVT Phú Xuyên đã ghi một nốt nhạc hào hùng vào bản anh hùng ca trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử.

 

Trong khói lửa của cuộc chiến tranh vĩ đại, huyện Phú Xuyên vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. 40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức của những ngày tháng bom rơi đạn nổ vẫn còn in đậm mãi trong lòng người dân Hà Nội nói chung và người dân Phú Xuyên nói riêng.

 

Cầu Giẽ hôm nay vẫn hiên ngang nối liền mạch máu giao thông Nam - Bắc. Những khu công nghiệp sầm uất mọc lên đàng hoàng to đẹp. Mảnh đất Phú Xuyên giàu truyền thống cách mạng, con người tài hoa, cần cù, nhân hậu mãi mãi sáng danh quê hương "Bách nghệ tinh hoa", đang chung tay xây dựng Phú Xuyên thành một huyện điểm Nông thôn mới của Thủ đô Hà Nội.

 

Theo Phạm Thị Dần

Hà Nội mới