Hà Tĩnh:
"Vựa cây ngàn tỷ" thất thu nặng vì đợt nắng nóng kỷ lục
(Dân trí) - Với giá trị mang lại trên 1.000 tỷ đồng/năm, cam và bưởi được xem là nguồn thu chính của người nông dân Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đợt nắng nóng này sẽ gây thất thu nặng cho nông dân tỉnh này.
Xót xa nhìn bưởi, cam cháy khô
Gần hai tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, đặc biệt là các huyện miền núi nhiệt độ lên tới đỉnh điểm lên tới 41-43 độ C. Nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến tình trạng hạn hán xảy ra ở huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Hậu quả là hàng trăm vườn cam, bưởi đặc sản của người dân tại các địa phương này bị chết héo.
Gia đình bà Cao Thị Hà, trú tại thôn 6, xã Phúc Trạch (nơi được coi là thủ phủ thương hiệu cam Phúc Trạch nổi tiếng cả nước) những ngày này như ngồi trên đống lửa vì cả đồi cam, bưởi của gia đình đang héo úa, chết dần do nắng nóng.
Tổng cộng trang trại của gia đình bà Hà có 1.200 gốc cam cho trái non và hơn 1.000 gốc bưởi với khoảng 5.000 quả. Nắng nóng kéo dài khiến cho đồi cam, bưởi héo úa, nhiều gốc bắt đầu cháy khô. Đây là điều mà gần 3 thập niên sống nhờ cam, bưởi, bà Hà chưa bao giờ trải qua.
“Gần 30 năm vào làm trang trại tại đồi Trạng Nẹo, chưa có năm nào nắng đỉnh điểm và kéo dài hạn hán như năm nay. Đến thời điểm hiện tại trang trại cam, bưởi của gia đình có khoảng 30% đã chết héo và gần 2ha cây gió trầm đã xóa sổ hoàn toàn. Nếu tình trạng nắng nóng này tiếp tục kéo dài, thì cả trang trại cam, bưởi và các loai cây trồng khác của gia đình sẽ chết hết”- bà Hà lo lắng.
Cũng cảnh tương tự như gia đình bà Hà, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất diện tích cây trồng bị chết, anh Phan Văn Chiến, trú tại thôn 3 đã cùng với 4 hộ gia đình khác mua chung máy nổ dẫn nước từ hồ đập cách nhà vài chục km để tưới. Để được luân phiên nhau, cứ khoảng 3h chiều, khi trời đang nắng nóng gay gắt anh Chiến phải tiến hành bơm nước để tưới.
Anh Chiến chia sẻ: “Công việc tưới rất vất vả, nhưng hiệu quả không cao, là do trời quá nắng nóng, tưới đầu này thì đầu kia đã khô, tỷ lệ ngấm nước cho cây là quá ít. Do đó, mặc dù gần tháng nay, anh và các thành viên trong gia đình đã đầu tư kinh phí cho việc tưới cây, nhưng đến nay trên 80% diện tích cây ăn quả trong vườn vẫn bị héo, trong đó có khoảng 100 gốc đã bị chết cháy”.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch thông tin: “Toàn xã Phúc Trạch có hơn 250 ha diện tích trồng cam, bưởi, chủ yếu nằm trên vùng đồi núi, ngoài đồng đều bị ảnh hưởng của nắng nóng. Các hộ dân trồng cam, bưởi ở đây hầu như bất khả kháng trước hạn hán bởi không có nước tưới. Điều đáng nói, tại địa bàn hiện các đập nước vẫn còn nước, nhưng theo ông Khánh do không có điện để bơm kéo nước về chống nắng nóng.
Tại xã Hương Đô, một địa phương có diện tích trồng cam, bưởi thuộc loại lớn huyện Hương Khê hiện cũng chịu nắng hạn hoành hành.
“Hương Đô là vùng đất nổi tiếng bởi đặc sản cam Khe Mây, hiện nay toàn xã có 350ha cam, trong đó 220 ha đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 90 tỷ đồng, hộ ít nhất vài chục, hộ cao hết lên đến tiền tỷ. Theo thống kê chưa đầy đủ, nhưng đến nay có khoảng 1/3 diện tích cam đã bị chết, khoảng 60% diện tích đã bị héo”, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Chủ tịch Hội nông dân xã Hương Đô, huyện Hương Khê nói”.
Thống ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê lo lắng: Toàn huyện hiện có 1.000 ha cam, bưởi thiếu nước. Nếu trình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ đe dọa rất lớn đến năng suất của cam, bưởi, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Trong khi đó, huyện Hương Sơn, địa phương có giống cam bù nổi tiếng, dự báo cũng sẽ thất thu nặng. Hiện hàng trăm ha cam bù ở các xã Sơn Trường, Kim Thoa… cũng đã bị héo, trái èo uột, chờ rụng.
Ngóng mưa từng phút, từng giây
Ông Nguyễn Văn Việt- Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thông tin với Dân trí vào chiều ngày 29/6: Những năm gần đây, sản lượng cam và bưởi của Hà Tĩnh không ngừng gia tăng, trong đó năm 2019 đạt sản lượng cao nhất với 47.000 tấn cam và 24.000 tấn bưởi.
“Năm 2019, với 47.000 tấn cam và 24.000 tấn bưởi, hai sản phẩm cây ăn quả có múi này mang lại cho bà con nông dân toàn tỉnh nguồn thu trên 1000 tỷ đồng. Đây là nguồn khích lệ rất lớn với tỉnh nếu biết điều kiện tự nhiên của tỉnh không thuận lợi như nhiều địa phương khác. Nhờ thành quả này mà Hà Tĩnh được Bộ NN&PTNT đánh giá cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng”- ông Việt nói.
Mặc dù vậy, theo ông Việt, đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài kỷ lục hơn 1 tháng qua đang khiến người trồng cam, trồng bưởi gặp quá nhiều khó khăn, thiệt hại lớn là điều không tránh khỏi.
“Chưa thể thống kê lúc này vì ngành và các cấp chính quyền, người dân đang tập trung chống nắng hạn. Tuy nhiên, từ những gì đang diễn ra tôi thấy thiệt hại của vụ bưởi, vụ cam năm nay sẽ là rất lớn”- ông Việt nói.
Theo ông Việt, hiện nay, ngoài chủ động đối phó với nắng hạn thì hiện người dân trồng cây ăn quả và các cấp, ngành ở Hà Tĩnh lúc này chờ mong mưa từng phút, từng giây để cứu phần còn lại của vụ mùa.
Văn Dũng – Minh Lý