1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ xây nhầm nhà 3 tầng lên đất người khác: Công trình có giấy phép xây dựng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo tìm hiểu, công trình nhà 3 tầng xây nhầm trên đất người khác ở TP Chí Linh (Hải Dương) có giấy phép xây dựng. Trước khi xây, cán bộ địa chính phường xuống đo đạc, kiểm tra thửa đất.

Liên quan đến vụ nhà 3 tầng xây nhầm trên đất người khác ở điểm dân cư Lạc Sơn, phường Thái Học (TP Chí Linh, Hải Dương), theo tìm hiểu của phóng viên, công trình này có giấy phép xây dựng do UBND TP Chí Linh cấp.

Chủ công trình nhà 3 tầng nói trên là của gia đình ông Ngô Văn Du (ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Được biết, trước khi gia đình ông Du xây dựng ngôi nhà trên, cán bộ địa chính phường Thái Học có đến đo đạc, cắm mốc giới.

Giấy phép xây dựng UBND TP Chí Linh cấp cho gia đình ông Du lần đầu vào ngày 9/4/2020 là 2 tầng, sau đó điều chỉnh giấy phép lên 3 tầng vào ngày 3/2/2021.

Đến cuối năm 2021, gia đình ông Du hoàn thành xây dựng ngôi nhà 3 tầng nói trên. Và khi có thông tin ngôi nhà này bị xây nhầm lên đất người khác thì lúc đó gia đình ông Du mới biết.

Vụ xây nhầm nhà 3 tầng lên đất người khác: Công trình có giấy phép xây dựng - 1

Ngôi nhà 3 tầng xây chồng lấn lên 2 thửa đất bên cạnh (Ảnh: Nguyễn Dương).

Chia sẻ với báo chí, ông Du khẳng định gia đình không vi phạm xây dựng, bởi trước khi xây có báo cáo địa chính phường đến đo đạc, cắm mốc giới và có giấy phép xây dựng.

Trước sự việc trên, cả gia đình ông Du, chủ lô đất bị xây nhầm đều chờ chính quyền địa phương đưa ra phương án giải quyết "thấu tình đạt lý".

Ngày 5/11, lãnh đạo UBND phường Thái Học cho biết, chính quyền địa phương tiếp tục mời chủ lô đất bị xây nhầm đến làm việc và đang xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hải Dương về hướng giải quyết sự việc này.

Hôm 1/11 vừa qua, Sở TN&MT Hải Dương đã có văn bản gửi UBND TP Chí Linh về vụ việc trên.

Theo đó, Sở TN&MT Hải Dương đề nghị UBND TP Chí Linh chỉ đạo tập trung làm rõ sự việc, khẩn trương giải quyết thấu đáo trên tinh thần đúng pháp luật. Quá trình giải quyết vụ việc phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Đồng thời, Sở TN&MT Hải Dương đề nghị UBND TP Chí Linh trong quá trình giải quyết vụ việc trên cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý (nếu có), thông tin kết quả bằng văn bản về Sở này trước ngày 15/11.

Như đã đưa tin, năm 2019, dự án khu dân cư Lạc Sơn được UBND tỉnh Hải Dương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) để đấu giá quyền SDĐ. Những người trúng đấu giá đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và 23 lô đất tại dự án này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Tại thời điểm cấp sổ đỏ cho những lô đất trên, chính quyền địa phương chưa bàn giao mốc giới thực địa ngoài hiện trường.

Gia đình ông Hà Thế Cảnh (ở Cẩm Giàng, Hải Dương) đã mua lại một lô đất ký hiệu LK19 (thửa đất số 219) tại dự án trên có diện tích 100m2.

Gia đình ông Du cũng mua lại 1 lô đất ở dự án trên có diện tích 100m2, ký hiệu LK18 (thửa đất số 218) và được cấp sổ đỏ sang tên vào tháng 3/2020.

Năm 2023, gia đình ông Cảnh có nhu cầu được bàn giao và đo đạc thửa đất trên.

Qua khảo sát, gia đình ông Cảnh thấy có sự nhầm lẫn vị trí thửa đất nên đã làm đơn đề nghị gửi UBND phường Thái Học kiểm tra xác định vị trí thửa đất nêu trên và bàn giao mốc giới thửa đất cho gia đình.

Kết quả kiểm tra của chính quyền địa phương, tại lô đất LK19 (thửa đất số 219) và LK20 (thửa đất số 220) có ngôi nhà 3 tầng, với diện tích xây dựng hơn 117m2.

"Ông Ngô Văn Du là chủ sử dụng lô đất LK18 (thửa đất số 218) đã xây dựng nhà 3 tầng lên một phần diện tích của lô LK19 (thửa đất số 219) và lô LK20 (thửa đất số 220)", theo báo cáo của UBND phường Thái Học.

Trong đó, nhà ông Du, bà Chính đã xây vào lô đất LK19 56,4m2, xây vào lô LK20 42,8m2.

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định, chính quyền khi bàn giao đất phải đo đạc bàn giao mốc giới trên thực địa, sau đó mới cấp sổ đỏ.

Cũng theo ông Cường, nếu không có thủ tục bàn giao mốc giới, bàn giao đất trên thực địa mà lại cấp sổ đỏ thì việc người dân sử dụng đất nhầm sang ô thửa của người khác là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

"Ngoài việc bàn giao lại mốc giới, nếu người sử dụng đất bị thiệt hại từ hành vi hành chính sẽ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nếu không thỏa thuận được thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính", theo luật sư Cường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm