1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ Việt Á: Vì sao sức đề kháng của cán bộ với "virus hoa hồng" rất nhẹ?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Nhìn vào đại án Việt Á, ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện 4 thiết chế để cán bộ không cần phải đấu tranh tư tưởng đối với tiền "hoa hồng".

4 thiết chế để cán bộ không cần đấu tranh tư tưởng

Tại buổi tọa đàm "Vụ Việt Á và "phép thử" cán bộ" vừa được Báo điện tử Dân trí tổ chức, ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  -cho rằng, để cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành không phải đấu tranh tư tưởng "nhận hay không nhận" tiền lại quả", nhận tiền "hoa hồng" thì cần phải làm sao để cán bộ "không dám tham nhũng", "không thể tham nhũng", "không muốn tham nhũng" và "không cần tham nhũng".

Phân tích về 4 thiết chế nêu trên, theo ông Dũng, "không dám tham nhũng" tức là biện pháp trừng trị nghiêm minh. Thời gian qua, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng với "hạt nhân" là Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, rồi giờ mở rộng đến các tỉnh thành và đã mang lại hiệu quả rõ ràng trong công tác này.

Tuy nhiên, TS. Dũng nhìn nhận, việc vẫn tiếp tục phát hiện những vụ án và án sau lớn hơn án trước cho thấy cơ chế trừng trị vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Vụ Việt Á: Vì sao sức đề kháng của cán bộ với virus hoa hồng rất nhẹ? - 1

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - trao đổi về vấn đề sa ngã của cán bộ trong vụ Việt Á, tại buổi tọa đàm (Ảnh: Hữu Nghị).

Đối với thiết chế "không thể tham nhũng", theo ông Dũng, điều này chính là việc xây dựng cơ chế, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, đó là phải kiểm soát quyền lực, "nhốt quyền lực trong lồng".

"Vậy thì cần có thiết chế nào để giám sát việc đó. Đây là việc cần phải tính, nhất là với giám sát quyền lực của người đứng đầu" - ông Dũng bày tỏ.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát tài sản, nguồn lực nếu có công cụ quản lý tốt hơn như hạn chế sử dụng tiền mặt thì rất khó để rút được những khoản tiền lớn mà không giải trình được nguồn gốc, mục đích chi dùng.

Bởi lẽ, nếu gửi qua tài khoản thì sẽ "mắc" và đây chính là một công cụ, giải pháp kỹ thuật hiệu quả đã được chứng minh ở nhiều nước. "Chúng ta đang chủ trương đẩy mạnh chuyển đối số cũng là với mục đích tăng cường hiệu quả quản lý tài sản, nguồn lực như vậy" - ông Dũng nói.

Để "không cần tham nhũng", theo ông Dũng là phải tính đến vấn đề lương. Hiện nay, lương cho đội ngũ cán bộ công chức, lương cấp Bộ trưởng ở khoảng 15 triệu đồng/tháng. So với Bộ trưởng của Singapore có thể nhận lương hàng trăm nghìn USD/tháng thì cấp Bộ trưởng ở nước ta chỉ được khoảng 1.000 USD/tháng cho tất cả các loại lương, thưởng, phụ cấp…

Vì vậy, ông Dũng cho rằng, cần phải cải cách tiền lương, không nên cào bằng. Trên thực tế, trong cuộc sống ai cũng cần dùng đến tiền. Vậy nên, về điều này đừng nên lý tưởng, đừng nói đạo lý vì đây là nhu cầu, mưu cầu của mỗi con người, mỗi gia đình.

Với thiết chế "không muốn tham nhũng", ông Dũng phân tích nghĩa là phải đào tạo, giáo dục về liêm chính. Làm sao để một cán bộ mà được ai đó mang phong bì đến gặp thì người cán bộ sẽ cảm thấy bị xúc phạm? Để đạt được điều này thì phải là một quá trình đào tạo từ khi còn nhỏ, từ những lúc còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Chưa vận hành triệt để cơ chế kiểm soát người đứng đầu?

Trước việc cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã can thiệp, tác động, thao túng sâu trong vụ Việt Á, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhìn nhận, chúng ta đã có cơ chế để kiểm soát nhưng có thể cơ chế này chưa được "vận hành triệt để".

Theo ông Dũng, với người đứng đầu cấp Bộ trưởng, cơ chế chịu trách nhiệm trực tiếp là trước Thủ tướng. Thủ tướng có quyền lực rất lớn, có công cụ kiểm soát mạnh là thanh tra. Rồi còn các cấp quản lý về Đảng.

Vụ Việt Á: Vì sao sức đề kháng của cán bộ với virus hoa hồng rất nhẹ? - 2

Đại án Việt Á cho thấy "phép thử" cho kết quả là khả năng bị lôi cuốn, sa ngã vào tiêu cực, tham nhũng của cán bộ là rất lớn, cũng như "sức đề kháng" của cán bộ với những cám dỗ là không quá mạnh (!).

Thực tế, khi vụ Việt Á chưa "nổ ra", ông Dũng cho biết, bản thân đã nghe rất nhiều thông tin, từ dư luận, từ trên mạng, nếu nghi ngờ về giá kit test. Đáng ra với những vấn đề nổi lên như vậy thì những phiên điều trần, giải trình có thể ngay lập tức được triệu tập. Kinh nghiệm nhiều nước đã phát huy những thiết chế giám sát như vậy rất tốt.

Ông Dũng cho hay, ở các nước chia ra cấp chính trị, cấp công vụ để thi hành các công việc phía dưới. Việc test phải sử dụng như nào, rộng hay hẹp là việc của Bộ trưởng, còn việc mua sắm kit như nào thì là việc của cấp dưới, của địa phương. Như vậy, tính độc lập của cấp dưới rất lớn. Sự phân định như thế chúng ta cũng có thể xem xét, nghiên cứu, tham khảo xem có thể tạo ra hiệu quả kiểm soát cao hơn không.

Nhắc lại về thông tin gần 80 đối tượng đã bị khởi tố trong vụ Việt Á, trong đó có gần 70 cán bộ ngành y, ông Dũng thừa nhận chưa có vụ án nào liên quan đến nhiều người, xảy ra trên diện rộng như vậy. Đây là vụ án động chạm đến mọi khu vực, mọi CDC tham gia mua bán đều "dính".

Vụ án cho thấy "phép thử" ở đây cho kết quả rất tệ, khả năng bị lôi cuốn, sa ngã vào tiêu cực, tham nhũng của cán bộ là rất lớn, cũng như "sức đề kháng" của cán bộ với những cám dỗ là không quá mạnh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm