Số người đứng đầu bị xử lý vì xảy ra tham nhũng tăng

Thế Kha

(Dân trí) - 6 tháng đầu năm 2022, ngành thanh tra đã phát hiện số vụ việc tham nhũng và số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành thanh tra sáng 7/7, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết toàn ngành đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 

Số người đứng đầu bị xử lý vì xảy ra tham nhũng tăng - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị sáng 7/7 (Ảnh: Thanh tra).

Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 25.000 tỷ đồng, hơn 9.600 ha đất. Trong đó kiến nghị thu hồi 10.268 tỷ đồng và 134 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 14.753 tỷ đồng, gần 9.500 ha đất…

6 tháng qua, ngành thanh tra đã phát hiện số vụ việc tham nhũng và số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, trong kỳ báo cáo có 22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và đã xử lý kỷ luật 18 người.

Trong khoảng thời gian này, các cơ quan hành chính Nhà nước phát hiện phát hiện 30 vụ việc tham nhũng, liên quan tới 40 người.

Đối với cuộc thanh tra chuyên đề về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, Thanh tra Chính phủ cho biết đã có nhiều cơ quan thanh tra làm tốt, ban hành kết luận đảm bảo chất lượng như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Cần Thơ, Bạc Liêu... Tuy nhiên vẫn có một số đơn vị triển khai, báo cáo còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn ngành.

Đại diện Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế như hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm. Việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra còn bất cập.

Tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.