1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Vụ việc xảy ra tại Công ty An Đông được xã hội, người dân rất quan tâm"

Thế Kha

(Dân trí) - Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (liên quan bắt Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các tổ chức, đơn vị có liên quan đang được xã hội, người dân rất quan tâm.

Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhất là quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody's nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Vụ việc xảy ra tại Công ty An Đông được xã hội, người dân rất quan tâm - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Phạm Thắng).

"Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước"- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.

Dù vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng "không nên chủ quan" vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp. Việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ tiếp tục được triển khai theo các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025 nhưng kết quả chưa rõ nét, mới chỉ dừng ở phê duyệt phương án, triển khai thực hiện còn chậm.

Triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1… còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mặc dù doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng năm 2022 tăng cao (38,6% so với cùng kỳ năm 2021), nhưng những doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Trong khi đó, doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn 9 tháng qua bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp).

"Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (liên quan đến việc bắt bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - PV) và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng "đẩy giá" gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng"- Ủy ban Kinh tế nhận định.

Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh. Ngành giáo dục chưa khắc phục triệt để việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ; cơ sở vật chất có nơi còn thiếu, chưa đồng bộ. Chất lượng một số sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn có hạn chế.

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoản…

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán. Duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, thị trường bất động sản.