Vụ Tiên Lãng: Chờ đợi nhiều hơn việc “xử” cán bộ sai phạm
(Dân trí) - “Trong vụ Tiên Lãng, người dân mong đợi không chỉ ở việc khởi tố, làm rõ tội phạm và xử lý nghiêm những đảng viên, cán bộ sai phạm…” – luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật nêu nhiều băn khoăn, suy nghĩ.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1887/Vu-cuong-che-dam-tom-gay-nhieu-tranh-cai-tai-Hai-Phong.htm'><b> >> Vụ cưỡng chế đầm tôm gây nhiều tranh cãi tại Hải Phòng</b></a>
Từ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến nhiều người dân trong cả nước đều có một nhận định chung rất đúng rằng vụ việc xẩy ra ở Tiên Lãng không chỉ là sai lầm cá biệt của một nhóm đảng viên, viên chức nhà nước. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận xét rằng sai lầm trong vụ Tiên Lãng là sai lầm toàn diện, sai lầm trong việc thực thi pháp luật, sai lầm trong cưỡng chế, sai lầm về mặt đạo lý, tình người.
Trước hết, vụ việc xẩy ra ở Tiên Lãng đặt ra một nhiệm vụ cấp bách cho Quốc hội khóa XIII là kịp thời sửa đổi những bất cập trong luật đất đai hiện hành. Song song với quá trình nghiên cứu, sửa đổi luật đất đai, ngành Tư pháp có nhiệm vụ rà soát tổng thể để kịp thời loại bỏ những văn bản dưới luật trái luật do các địa phương ban hành.
Qua vụ việc ở Tiên Lãng, người dân mong muốn ngành Tòa án, Kiểm sát khẩn trương rà soát lại án về đất đai trái luật nhưng đã có hiệu lực pháp luật. Khiếu nại về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các loại khiếu nại của dân, là khiếu nại dài ngày, khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp.
Ngay tại thủ đô Hà Nội cũng từng xẩy ra vụ việc huy động hàng trăm công an cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật của 43 hộ dân ở Phường Liễu Giai, quận Ba Đình năm 2004. Các hộ dân ở Liễu Giai đã liên tục khiếu nại nhiều năm với nhiều cấp. Thường trực Ban chấp hành Trung ương MTTQ đã hai lần có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.
Việc Tòa tối cao tiến hành giám đốc thẩm để sửa lại các bản án trái luật trong toàn quốc nhưng đã có hiệu lực pháp luật là khối lượng công việc rất nhiều và không dễ dàng chút nào. Nhưng nếu làm được thì ngành Tòa án sẽ góp công rất lớn khôi phục lòng tin của người dân vào công lý, công bằng.
Vụ việc xẩy ra ở Tiên Lãng cung cấp nhiều bài học sốt dẻo cho công tác dân vận, đặc biệt đối với công tác của Mặt trận. Một trong hai nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận Tổ quốc các cấp là giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, cán bộ viên chức nhà nước. Để làm được việc này đòi hỏi cán bộ Mặt trận các cấp phải hội tụ đủ hai điều kiện.
Trước hết, phải luôn luôn sát dân, không đợi dưới báo cáo lên trên mới biết. Trong vụ Tiên Lãng, khiếu kiện của dân đã diễn ra từ năm 2006. Đến năm 2011, khi vụ việc xẩy ra, trả lời cấp trên, nhiều cán bộ các cơ quan xã, huyện, thành phố Hải phòng vẫn nói không biết vì không nhận được báo cáo của dưới (!)
Pháp luật ở nước nào cũng đều rất nhiều. Một luật sư giỏi nhất cũng chỉ thông thạo một ngành luật, một chế định luật mà luật sư đó được cấp phép hành nghề. Không luật sư nào thông thạo mọi ngành luật cũng như không bác sĩ nào có khả năng trị bách bệnh. Bởi vậy, khi có vấn đề cần giải quyết, cán bộ mặt trận phải tìm hiểu, tra cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia để nắm vững pháp luật trước khi hành động. Nếu không nắm vững pháp luật để rồi ủng hộ, bênh vực cho việc làm sai pháp luật thì hậu quả xẩy ra sẽ không lường hết.
Vụ việc xẩy ra ở Tiên Lãng cho thấy, do không nắm vững pháp luật, cán bộ mặt trận huyện, xã ở đây đã ra sức bênh che cho việc làm trái pháp luật của Huyện và xã.
Nhìn chung, qua vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Vươn, các cơ quan thuộc tất cả các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, công tác Đảng, công tác dân vận, công tác Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đều có thể rút ra nhiều bài học bổ ích, bài học phản diện. Nếu làm được như vậy thì sẽ mang lại hạnh phúc lớn cho nhân dân.
Luật sư Lê Đức Tiết