1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ thủy thủ Việt Nam tử nạn ở Biển Đỏ: Chuyến đi định mệnh

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Với mong muốn có tiền cho con đi du học, đại phó Đặng Duy Kiên (41 tuổi, ở Hải Phòng) đã quay lại nghề đi biển sau 4 năm bỏ nghề, nhưng không ngờ đó lại là chuyến đi biển định mệnh.

Quay lại nghề đi biển để có tiền cho con đi du học

Sau nhiều lần thuyết phục, chị Lê Miền, vợ đại phó Đặng Duy Kiên (41 tuổi, ở Hải Phòng, tử nạn trên tàu hàng ở Biển Đỏ sáng 6/3) mới đồng ý tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ ở phố Trung Hành, phường Đằng Lâm (quận Hải An, TP Hải Phòng).

Chị Miền vẫn còn suy sụp, đôi mắt thâm quầng sau cú sốc quá lớn khi nghe tin chồng mình tử nạn trên tàu hàng khi qua vùng Biển Đỏ cách đây 5 ngày.

Từ hôm biết tin chồng chị Miền bị tử nạn trên tàu, có rất nhiều người thân, hàng xóm đến thăm hỏi, động viên gia đình.

Vụ thủy thủ Việt Nam tử nạn ở Biển Đỏ: Chuyến đi định mệnh - 1

Tàu True Confidence bị tên lửa của Houthi tấn công ở phía tây Vịnh Aden ngày 6/3 (Ảnh: Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ).

Cầm trên tay 2 tờ giấy A4 có những dòng chữ tiếng Anh, anh Toàn (em vợ đại phó Kiên) cho biết, gia đình đang làm các thủ tục cần thiết để đưa thi hài anh Kiên về nước.

Mong muốn của gia đình sẽ đưa thi hài anh Kiên về quê nhà ở xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) để làm lễ tang và an táng tại đây.

"Thông tin gia đình nắm được từ cơ quan chức năng, khoảng ngày 15-16/3, thi hài anh Kiên sẽ được đưa về nước. Theo nguyện vọng gia đình, khi về nước, thi hài anh Kiên sẽ ghé qua nhà ở phường Đằng Lâm một vài tiếng, sau đó sẽ đưa về Vĩnh Bảo để làm lễ tang", anh Toàn cho biết.

Trong quá trình trò chuyện với anh Toàn, chị Miền ngồi lặng lẽ bên máy tính xem lại những dòng tin nhắn zalo mà chồng mình mới gửi trước khi xảy ra sự việc. 

Khi nhắc đến nghề đi biển, nước mắt chị lại trào ra, chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào "Gia đình tôi nhiều người theo nghề đi biển, bản thân tôi cũng đang làm cho một hãng tàu biển".

Chị kể tiếp, nghề đi biển vất vả, phải xa nhà biền biệt nên cuối năm 2019, chồng chị quyết định bỏ nghề sang làm công việc bất động sản, để có nhiều thời gian bên gia đình.

"Năm 2019, tôi sinh cháu thứ 2, anh ấy không có nhà vì phải đi biển, anh ấy buồn lắm, nên anh ấy rất chiều chuộng cháu thứ 2", chị Miền nói trong nước mắt.

Cũng từ đó, khoảng cuối năm 2019, anh Kiên bỏ nghề đi biển để quay về làm công việc kinh doanh bất động sản với người thân. Nhưng khoảng cuối năm 2023, công việc kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, anh Kiên quay lại nghề cũ.

Anh đã làm việc cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ hàng hải Hải Phòng (HP Marine), doanh nghiệp chuyên cung ứng thuyền viên cho tàu nước ngoài.

"Anh ấy tốt nghiệp Đại học Hàng hải, có hơn 10 năm hành nghề đi biển và có bằng thuyền trưởng. Anh ấy cũng nhiều năm làm việc cho công ty HP Marine, sau đó nghỉ từ cuối 2019, đến cuối năm 2023 anh ấy lại quay lại công ty này làm việc", chị Miền chia sẻ.

Khi được hỏi tại sao biết nghề đi biển vất vả, xa nhà biền biệt mà anh Kiên vẫn chọn quay lại nghề này, chị Miền nói trong nước mắt "Anh ấy nói quay lại nghề đi biển để có tiền cho con đi du học ở Australia. Trước khi gặp nạn, anh ấy vẫn nhắn tin về động viên tôi quyết tâm đầu tư cho cháu lớn đi học thêm tiếng Anh để cho cháu đi du học. Nhưng giờ anh ấy mất rồi, một mình tôi không thể cho cháu đi du học được nữa".

Chuyến đi biển định mệnh

Không rời mắt khỏi màn hình máy tính khi trò chuyện với chúng tôi, chị Miền xem đi xem lại từng dòng tin nhắn, hình ảnh anh Kiên gửi về cho vợ trước khi tàu gặp nạn.

Vụ thủy thủ Việt Nam tử nạn ở Biển Đỏ: Chuyến đi định mệnh - 2

Chị Miền xem lại những dòng tin nhắn, hình ảnh của chồng gửi về trước khi tàu gặp nạn (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo lời chị Miền, tàu hàng True Confidence, nơi anh Kiên làm việc với vai trò đại phó chở nhiều mặt hàng, trong đó có thép, ô tô khách loại lớn,... Hàng hóa lớn nên công việc vất vả, nhất là khâu chằng buộc hàng trên boong.

Tàu hàng True Confidence có hải trình di chuyển từ Trung Quốc đến Arab Saudi. Anh Kiên nhận công việc trên con tàu này vào ngày 30/1, đây là chuyến đi biển đầu tiên của anh sau khoảng 4 năm bỏ nghề.

Vụ thủy thủ Việt Nam tử nạn ở Biển Đỏ: Chuyến đi định mệnh - 3

Hình ảnh tàu True Confidence khi đang lấy hàng tại cảng ở Trung Quốc (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Chuyến đi biển lần này của anh Kiên dự kiến kéo dài khoảng 8 tháng. Trước khi đi anh đã lên kế hoạch, khi về nước sẽ kịp đưa con trai thứ 2 vào lớp 1 và cháu đầu vào lớp 5. Đây là mốc thời gian quan trọng trong việc học tập của các cháu.

Vậy là kế hoạch dở dang, dở dang cả việc đưa con dự lễ khai giảng, dở dang cả kế hoạch cho con lớn đi du học, chị Miền thở dài nói với chúng tôi.

22h38 ngày 6/3, dòng tin nhắn anh Kiên gửi cho chị Miền qua ứng dụng zalo có nội dung: "Tàu đang đi vào vùng nguy hiểm, hi vọng bình an. Đúng rồi! quay quẩn lại cũng không có ai... giữ mối quan hệ".

Vụ thủy thủ Việt Nam tử nạn ở Biển Đỏ: Chuyến đi định mệnh - 4

Tàu True Confidence chở nhiều mặt hàng khác nhau (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Chị Miền nhắn lại cho chồng: "Chúc tàu bình an, may mắn. Cố gắng giữ an toàn ba nhé. Phải mạnh khỏe về với vợ con, bố mẹ đấy nhé".

Không ngờ rằng, đó là những dòng tin nhắn trò chuyện cuối cùng giữa anh Kiên và chị Miền.

Sáng sớm hôm sau, không thấy anh Kiên trả lời tin nhắn, chị Miền nhắn lại: "Anh ơi, anh sống lại đi anh, anh về với cả nhà đi anh". 

Tâm trạng bất an, mặc dù chưa biết chính xác có chuyện gì với chồng, chị Miền dặn mẹ chồng đi mua đồ lễ để thắp hương cầu cho chồng bình an trở về.

Nhưng cuối cùng điều tồi tệ nhất cũng xảy ra, tối muộn 6/3, đại diện Công ty HP Marine đến nhà chị Miền báo tin dữ, tàu hàng True Confidence đã bị lực lượng Houthi tấn công bằng tên lửa, khi đang đi qua Biển Đỏ.

Vụ tấn công đã khiến 3 thuyền viên thiệt mạng, trong đó có một người Việt Nam là đại phó Đặng Duy Kiên.

3 thuyền viên Việt Nam còn lại trên tàu gồm Phạm Văn Thành (máy trưởng, 39 tuổi, quê ở quận Hải An, Hải Phòng), Nguyễn Văn Tảo (máy hai, 36 tuổi, quê ở Kinh Môn, Hải Dương) và Phùng Văn An (máy ba, 33 tuổi, quê huyện Vũ Thư, Thái Bình), được xác định vẫn bình an.

Toàn bộ thủy thủ đoàn đã được đưa đến Cộng hòa Djibouti (Đông Phi) và đang ở tạm trong một khách sạn ở nước này.

Sau sự việc trên, Đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty HP Marine, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Miền.

Tàu True Confidence thuộc sở hữu của Công ty Hàng hải Liberia True Confidence Shipping, mang cờ Barbados và đang do công ty Hy Lạp Third January Maritime vận hành. 

Trên tàu có 20 thuyền viên, gồm 15 người Philippines, 4 người Việt Nam và một người Ấn Độ.