1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Vụ tai nạn mỏ đá 3 người chết: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - Những người phu đá chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn tại mỏ đá ở khu vực núi Vức, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn khiến 3 người chết, 1 người bị thương. Dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm trong vụ tai nạn này thuộc về ai?

Sau vụ tai nạn mỏ đá xảy ra vào ngày 7/6 vừa qua, phóng viên đã trở lại khu hiện trường vụ tai nạn. Dọc con đường đất từ khu vực núi Đa Sỹ, xã Đông Vinh vào đến khu vực núi Vức, xã Đông Quang, là hình ảnh những ngọn núi đá đã bị khai thác nham nhở, tan hoang.

Theo một số người đi làm phu đá nơi đây cho biết, những ngày bình thường thì khung cảnh nơi đây thật nhộn nhịp, tiếng xe, tiếng nổ mìn, tiếng đục đá vang cả một vùng. Cùng với đó là cảnh bụi đá bay mù mịt. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người phu đá đứng cheo leo trên các vách đá mà trên người không có quần áo, giày tất hay dụng cụ bảo hộ lao động nào.


Thu nhập của những người làm nghề phu đá nơi đây cũng không đáng là bao. Đối với chị em phụ nữ làm nghề bốc đá mỗi ngày vất vả cũng chỉ kiếm được 50 - 70 nghìn đồng, còn những nam phu đá làm công việc nặng nhọc hơn như đục đá, hay treo mình trên những ngọn núi đá chơi vơi với hiểm nguy luôn rình rập mỗi ngày cũng khoảng từ 200 - 250 nghìn đồng.

Khu vực mỏ đá nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm thuộc quyền quản lý của công ty TNHH một thành viên số 5 (thuộc Công ty TNHH một thành viên Sông Mã). Nhưng, chủ mỏ đứng ra khai thác là một người dân bản địa thuê người dân khoan đặt mìn, cạy đá. Điều đáng nói, ông chủ mỏ này cũng chưa được cấp phép trong việc khai thác đá.

Qua tìm hiểu được biết nhiều đơn vị khai thác trong khu vực này chưa được cấp phép. Vấn đề an toàn lao động gần như chưa được quan tâm, hầu hết các lao động nơi đây đều làm theo thời vụ. Sau vụ sạt lở đá khiến ba người chết ở xã Đông Quang, Đông Sơn, mỏ đá nơi xảy ra vụ tai nạn tạm thời ngừng khai thác.

Nhìn vào những vách núi đá dựng đứng, với những tảng đá hàng chục tấn chực chờ rơi xuống bất cứ lúc nào, nhưng những phu đá nơi đây vẫn phải chấp nhận mưu sinh vì cũng chẳng còn công việc gì kiếm ra tiền hơn đối với họ. Gần như năm nào cũng có người chết vì tai nạn đá nơi khu vực này và vụ tai nạn về đá vừa qua là một vụ nghiêm trọng nhất.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, các cơ quan chức năng đã có mặt đầy đủ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, những vấn đề liên quan đến an toàn đối với người lao động dường như đã bị bỏ ngỏ. Chỉ đến khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng vào cuộc, rồi một thời gian sau lắng xuống, mọi việc đâu lại vào đó.

Người dân vì cuộc sống mưu sinh mà bất chấp tất cả, còn cơ quan chức năng thì buông lỏng quản lý. Không biết trách nhiệm trong vụ tai nạn 3 người chết tại khu vực núi Vức, ở xã Đông Quang, huyện Đông Sơn thuộc về ai? Chính quyền địa phương, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đông Sơn, hay Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thanh Hóa?

Duy Tuyên