1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!”

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Trước khi mất tích vì sự cố sạt lở đất, anh Toản điện thoại về cho vợ liên tục và cho biết nơi đóng quân mưa lũ rất lớn, lạnh, khó ngủ. Kể từ đó, gia đình không thể liên lạc được với anh Toản.

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 1

Vợ chồng anh Toản.

Ngày 18/10, căn nhà cấp 4 của gia đình ông Bùi Đình Nuôi (74 tuổi), trú tại khối 9, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, bố ruột của Thiếu tá Bùi Đình Toản (một trong số 22 cán bộ, chiến sĩ mất tích sau sự cố sạt lở đất ở Quảng Trị) rất đông người đến thăm hỏi. 

Từ sáng sớm khi hay tin Đoàn 337 nơi Thiếu tá Toản công tác gặp nạn, ai nấy đều lo lắng. Những cuộc gọi liên tục cố gắng liên lạc với Thiếu tá Toản nhưng không có hồi âm. 

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 2

Mấy ngày nay ngôi nhà anh Toản ở quê cũng đang bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Không thể chờ đợi, gia đình lập tức liên lạc cho đơn vị thì được xác nhận anh Toản là một trong số 22 cán bộ, chiến sĩ đã mất tích sau vụ sạt lở kinh hoàng. Mọi người như chết lặng. 

Từng là một chiến sĩ vào sinh ra tử dưới mưa bom bão đạn nhưng khi nghe tin dữ ông Nuôi thất thần, không tin đó là sự thật. Ông bồn chồn, đi ra đi vào, cầm chiếc điện thoại trong tay chờ tin tức. Biết đâu con ông đã cùng đồng đội đã thoát ra ngoài khi tai họa ập đến và đang lánh nạn ở đâu đó.

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 3

Chị Bích không chịu nổi nỗi đau quá lớn

Khoảng một tháng trước Thiếu tá Toản về thăm gia đình ít hôm rồi lại lập tức lên đường. Thiếu tá Toản là con trai lớn và cũng là niềm tự hào của gia đình. Hơn 30 năm công tác xa nhà nhưng anh rất có trách nhiệm với gia đình. Dù bận công tác nhưng hàng ngày, anh Toản vẫn tranh thủ giờ nghỉ điện thoại thăm hỏi sức khỏe và tình hình những người thân ở quê nhà. 

Từ lúc nghe tin chồng gặp nạn, chị Đào Thị Bích (48 tuổi, vợ anh Toản) ngã quỵ, gào khóc, gọi tên chồng trong tuyệt vọng. Cố lấy lại tinh thần, chị vừa khóc vừa kể: “Tối hôm trước chồng tôi điện thoại về liên tục, nói trong đó mưa rất to, rất lạnh và thấy nóng ruột không ngủ được. Tôi dặn đi dặn lại chồng cẩn thận. Đến 23h tối thì chồng lại điện tiếp, nói không thể ngủ, cứ bồn chồn. Tôi bảo chồng cố gắng chợp mắt một lát cho khoẻ, mai còn có sức đi giúp dân. Vậy mà sáng ra tôi thấy thông tin sạt lở đất liên quan đến đơn vị chồng đang công tác. Tôi điện thoại cho chồng liên tục nhưng không được...”. 

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 4

Ông Nuôi - bố anh Toản vẫn ngồi thẫn thờ, mắt ngấn lệ, lòng hướng về người con trai đang nằm nơi đất khách quê người.

Đó cũng là cuộc gọi cuối cùng Thiếu tá Toản gọi về cho gia đình trước lúc mất tích. Vợ chồng anh Toản sinh được 2 người con trai. Người con trai lớn đang làm việc ở Hà Nội, con trai út đang học năm cuối của một trường đại học tại Đà Nẵng. 

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 5

Chị Bùi Thị Hường (em gái Thiếu tá Toản) cho biết: "Tôi nghe tin rồi điện cho anh mà không được... Thế là hết rồi". 

Ngồi cạnh bên chị dâu, chị Bùi Thị Hường (em gái Thiếu tá Toản) khóc nghẹn: "Gia đình tôi vẫn hi vọng anh bình an trở về. Anh mà có mệnh hệ gì thì bố mẹ và chị dâu, 2 đứa cháu tôi biết sống làm sao được".

Mưa vẫn rơi trắng trời xứ Nghệ, người cha già vẫn ngồi đó, không chịu ăn uống gì. Người vợ vẫn nằm bẹp trên nền nhà khi nghe tin chồng bị đất đá sạt lở vùi lấp cùng các đồng đội nơi đất khách quê người.

Thông tin tìm thấy những thi thể đầu tiên, rồi nhiều đồng đội khác của con đã được tìm thấy dưới lớp bùn đất. Ông Nuôi không còn dám nuôi hi vọng. Ông chờ trong vô vọng rồi đến tuyệt vọng… Bầu trời miền Trung hôm nay vẫn đang mưa... 

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 6

Vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 18/10 tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Quân khu 4 (ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 18/10 tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Quân khu 4 (ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), đè sập nhiều dãy nhà và vùi lấp 22 cán bộ chiến sỹ của đơn vị.

Đến chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã tìm thấy 14 thi thể trong số 22 cán bộ chiến sĩ bị vùi lấp. Công tác tìm kiếm các nạn nhân đang gặp khó khăn.

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 7

Chiều ngày 18/10 Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cùng Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng trực tiếp tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng đẩy nhanh công tác thông đường, tìm kiếm.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các lực lượng nòng cốt ngành GTVT tại địa phương, Sở GTVT Quảng Trị và các đơn vị thuộc Cục QLĐB II (Tổng cục Đường bộ VN) tăng cường nhân vật lực, huy động máy móc, trang thiết bị để tổ chức san gạt, đảm bảo giao thông bước 1, nối đường những vị trí sạt lở, đứt gãy. Đồng thời, ngăn chặn nguy cơ sạt lở mái taluy dương, âm... do địa bàn thời tiết khắc nghiệt.

Tại vị trí sạt lở Km221+650 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, hàng ngàn mét khối đất đá từ vách núi đổ sập xuống, chặn ngang mặt đường, khiến giao thông tê liệt hoàn toàn. Phương án sử dụng rọ thép, đá học tạo nên bờ kè là giải pháp tối ưu và nhanh nhất trong thời điểm mưa lũ.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay đã lệnh 2 trực thăng từ Đà Nẵng ra chờ lệnh tại sân bay Phú Bài, chờ thời tiết tốt sẽ bay tiếp cận xã Hướng Việt đang bị cô lập, thả lương thực và thuốc men cho người dân.

Vụ sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ: “Mưa lũ rất lớn, lạnh khó ngủ lắm vợ ơi!” - 8

Công tác tìm kiếm các chiến sĩ vẫn tiếp tục dưới trời mưa lớn...

Hiện, trong hiện trường sạt lở có 323 người, lực lượng cứu nạn sẽ bổ sung thêm công binh và phương tiện để tìm kiếm. Trung tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu cắt cử người trên khu vực cao quan sát, đánh kẻng cảnh báo nếu phát hiện sạt lở. Trong khi đó, tại Km15 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, hai xe múc, xe ủi và 35 quân nhân từ Sư 969 san ủi điểm sạt lở, dùng rọ đá kè đường. Bên cạnh đó điều 3 chó nghiệp vụ đưa đến hiện trường để phục vụ công tác tìm kiếm.