1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ phó công an phường đánh phụ nữ: Công an được bắt giữ người khi nào?

Trần Thanh

(Dân trí) - Theo luật sư, công an chỉ được bắt giữ người trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt đang bị truy nã, bắt bị can... Khi bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền.

Ngày 3/5, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Vũ Hồng Quang - Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng - cho biết đã tạm đình chỉ công việc của Phó trưởng Công an phường Sông Bằng - người có hành vi lao vào tiệm tóc để đánh một phụ nữ.

Trước đó, anh Đ.V.K. (chủ tiệm tóc - nơi xảy ra sự việc) cho biết, tối 28/4 anh mời một số bạn bè đến cửa hàng để ăn cơm. Đến hơn 22h cùng ngày, có một người đàn ông gọi đến cho T.M.K. (cô gái bị đánh trong clip) bảo đến phòng khám để bác sĩ thăm khám.

Lúc này, bạn trai đi cùng K. là P.Đ.N. thấy bất thường nên đã cầm điện thoại nói chuyện. Trong khi nói chuyện, giữa N. và người đàn ông đầu dây bên kia xảy ra cãi vã. Sau đó, người đàn ông (được cho là bác sĩ) hỏi N. đang ở đâu thì anh này đọc địa chỉ.

Ít phút sau, có một người đàn ông đi xe máy nhãn hiệu Honda Air Blade đến và sau đó là 3 người đi ô tô xuất hiện.

Chủ tiệm tóc cho biết, những người đi ô tô đến định bắt anh P.Đ.N. nhưng không đưa ra được giấy tờ, lệnh bắt hay lý do vì sao bắt người.

Liên quan đến vụ việc, nhiều người đã đặt câu hỏi: Lực lượng chức năng đến nhà người dân, bắt giữ người như vậy liệu có được phép hay không? Công an được bắt giữ người trong trường hợp nào?

Vụ phó công an phường đánh phụ nữ: Công an được bắt giữ người khi nào? - 1

Hình ảnh Phó Công an phường Sông Bằng lao vào tiệm cắt tóc hành hung phụ nữ bị camera ghi lại.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật - cho biết: "Qua theo dõi clip tôi nhận thấy vụ việc này có dấu hiệu của tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Nhóm người này đã dùng vũ lực để bắt các thanh niên lên xe đưa đi".

Theo ông Bình, công an không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã (theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về cách tính đó là đêm được tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau). Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, bắt người là một biện pháp ngăn chặn và không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Luật sư Diệp Năng Bình nêu rõ các trường hợp được phép bắt người bao gồm:

Một là, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Hai là, bắt người phạm tội quả tang. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

Ba là, bắt người đang bị truy nã. Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt..

Bốn là, bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

Ngoài ra còn có các trường hợp khác như bắt người bị xem xét yêu cầu dẫn độ, bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ, bắt người bị dẫn độ.

"Tự do về thân thể là quyền quan trọng của công dân, là khách thể được Luật Hình sự bảo vệ bằng việc quy định về các tội phạm cụ thể như tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Do vậy, trong trường hợp này Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng tạm đình chỉ công việc với ông Phó trưởng Công an phường Sông Bằng để giải quyết là hoàn toàn có căn cứ. Với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì có thể bị phạt tù từ 2-7 năm", luật sư Bình nhận định.