Vụ phá rừng gỗ quý tại rừng di sản: Kết luận bất ngờ của UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình
(Dân trí) - Liên quan đến các vụ phá rừng nghiêm trọng tại Quảng Bình, UBKT Tỉnh ủy tỉnh này đã có những kết luận, xem xét xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ là không có hình thức kỷ luật đối với những người có trách nhiệm tại các đơn vị chủ rừng.
Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Bình đã xem xét, chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với 2 vụ khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng và Lâm phận rừng Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Đây là 2 vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra vào khoảng thời gian cuối năm 2018 đầu năm 2019. Cụ thể, tại vùng lõi của Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng đã bị lâm tặc chặt phá 66 cây gỗ quý, trong đó có 45 cây gỗ mun, 21 cây còn lại gồm các loại: táu, trâm, nang, bài lài…
Những cây gỗ này đều có đường kính lớn và bị cưa đổ bằng máy cưa xăng. Khu vực rừng bị phá được xác định chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng, thuộc khu vực quản lý của Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình.
Vụ phá rừng còn lại xảy ra tại địa bàn xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Tại khu vực này đã có 45 cây gỗ bị chặt phá. Trong đó có 26 cây gỗ lim, 17 cây gõ và 2 cây gỗ chua. Khu vực rừng này do Lâm trường Trường Sơn, thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại quản lý. Vụ phá rừng này được xác định xảy ra trong khoảng cuối năm 2018, tuy nhiên đến giữa tháng 3/2019, lực lượng kiểm lâm huyện Quảng Ninh tuần tra rừng mới phát hiện được.
Sau khi vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an các huyện Quảng Ninh và Bố Trạch đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 18 đối tượng liên quan.
Những cây gỗ lớn bị đốn hạ tại khu vực Lâm phận rừng Trường Sơn.
Xử lý trách nhiệm kiểu “giơ cao đánh khẽ”?
Việc để xảy ra các vụ phá rừng cũng cho thấy sự yếu kém của chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ. Thế nhưng việc xem xét, chỉ đạo xử lý trách nhiệm của chủ rừng là BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và Lâm trường Trường Sơn, 2 đơn vị để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên của UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình lại khiến dư luận bất ngờ!.
UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình nhận xét, với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Ban quản lý, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG đã có khuyết điểm, vi phạm trong việc để xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép. Nhưng những khuyết điểm, vi phạm của ông Tịnh và ông Trí chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật.
Ngoài ra, khu vực rừng bị phá được xác định chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng, thuộc khu vực quản lý của Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình. Thế nhưng, "điều kỳ lạ" là trách nhiệm của lực lượng biên phòng cũng không hề được nhắc đến?
Hiện trường vụ phá rừng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng
Còn đối với việc xử lý trách nhiệm của ông Châu Ngọc Dương, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn, thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại, UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm trước các tổ chức Đảng có thẩm quyền đối với ông Dương.
Và kết quả, sau khi biểu quyết, Đảng ủy Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại không thi hành kỷ luật đối với ông Dương mà chỉ yêu cầu ông này kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm để rút kinh nghiệm sâu sắc.
Việc không có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu của cả 2 đơn vị chủ rừng là BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và Lâm trường Trường Sơn sau khi để xảy ra phá rừng nghiêm trọng khiến dư luận không đồng tình. Nhiều người cho rằng, việc chỉ đạo xử lý vụ việc của cơ quan chức năng Quảng Bình trong việc xủ lý trách nhiệm của chủ rừng là “nhẹ tay”, kiểu “giơ cao đánh khẽ”.
Như vậy, hai vụ phá rừng, để mất hàng trăm m3 gỗ quý, nhiều diện tích rừng nguyên sinh bị tàn phá, nhưng chỉ có 1 Trạm trưởng và 1 Trạm phó Trạm Kiểm lâm bị cách chức, 5 kiểm lâm viên bị cảnh cáo, khiển trách. Công ty TNHH một thành viên Lâm Công nghiệp Long Đại cũng chỉ cách chức 1 trạm trưởng và kỷ luật, chuyển công tác 3 cán bộ. Còn lãnh đạo của cả 2 đơn vị chủ rừng xem như vô can...?
Nhóm PV