Quảng Bình:

Tiết lộ bất ngờ về chân tướng nhóm lâm tặc phá rừng gỗ quý ở Phong Nha - Kẻ Bàng

(Dân trí) - Trong quá trình điều tra, thâm nhập vụ phá rừng gỗ mun quý hiếm quy mô lớn tại vùng lõi thuộc rừng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, phóng viên Dân trí đã được lãnh đạo Vườn tiết lộ về nhóm lâm tặc trong vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Nỗi khiếp đảm của dân bản

Trao đổi với PV Dân trí về vụ phá rừng nghiêm trọng này, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, sau khi nhận được thông tin về vụ phá rừng ở khu vực biên giới Việt – Lào thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, lực lượng Kiểm lâm của Vườn đã trực tiếp đi kiểm tra.

Tại hiện trường có 45 cây gỗ mun (nhóm IIA) và 21 cây gỗ các loại khác như táu, nang, bài lài… bị chặt hạ. Những cây gỗ này đều có đường kính lớn và bị cưa đổ bằng máy cưa xăng. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác khoảng 70m3.

Tiết lộ bất ngờ về chân tướng nhóm lâm tặc phá rừng gỗ quý ở Phong Nha - Kẻ Bàng - 1

Gỗ bị chặt phá trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

Khu vực rừng bị phá được xác định chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng, thuộc khu vực quản lý của Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Điểm rừng bị chặt phá chỉ nằm cách đồn biên phòng này khoảng chừng… 1 km.

Cũng theo ông Tịnh, trong quá trình điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng này, người dân bản địa đã cũng cấp thông tin về nhóm lâm tặc đã tung hoành ở khu vực biên giới từ nhiều năm qua, là nỗi khiếp đảm của dân bản địa. Nhóm lâm tặc này đã thuê người dân thôn bản gùi số gỗ vừa khai thác ra tập kết và tìm cách vận chuyển về xuôi. “Dân bản nhỏ con trong khi nhiều phách gỗ to, nặng lên đến trên 70kg nên họ không thể gùi nổi”, ông Tịnh thông tin. 

Tiết lộ bất ngờ về chân tướng nhóm lâm tặc phá rừng gỗ quý ở Phong Nha - Kẻ Bàng - 2

Đã có 66 cây gỗ bị đốn hạ bằng cưa xăng

Theo như nguồn tin Dân trí có được, nhóm lâm tặc “đại náo” rừng di sản trong thời gian qua gồm có 6 người được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 có tên T. Troạng (nhỏ) và T. Máu ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch lên thuê dân bản gùi gỗ mun từ rừng ra.

Nhóm 2 là T. Troạng (to) và Hà Mã ở thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch lên quản lý gỗ trên đường gùi ra khỏi rừng. Ngoài ra, nhóm người này chuyên buôn bán động vật hoang dã.

Nhóm thứ 3 chưa xác định được danh tính, trú tại thôn Bồng Lai, xã Hưng Trạch lên đóng lán khai thác gỗ ở khu vực biên giới.

Phát hiện lô gỗ mun tập kết tại nhà “đầu nậu”

Trong quá lần tìm manh mối về vụ phá rừng có tổ chức với quy mô lớn này, lực lượng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện trong nhà của ông Mai Văn Dinh (SN 1970, quê xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch), ở bản Coóc, xã Thượng Trạch có cất chứa gỗ.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 42 phách gỗ các loại với khối lượng 1,4m3 (trong đó có 0,9m3 gỗ mun) được cho là tang vật của vụ phá rừng này.

Tiết lộ bất ngờ về chân tướng nhóm lâm tặc phá rừng gỗ quý ở Phong Nha - Kẻ Bàng - 3

Các cây gỗ bị khai thác gồm 45 cây gỗ mun (nhóm IIA) và 21 cây gỗ các loại khác như táu, nang, bài lài… 

Sau khi bị tịch thu số gỗ trên, ông Dinh khai với lực lượng kiểm lâm là không hề biết về số gỗ này (?!). Tuy nhiên, theo điều tra của PV Dân trí, Mai Văn Dinh, người gốc xã Sơn Trạch lên nhập hộ khẩu ở bản Cóc, xã biên giới Thượng Trạch là đối tượng thu gom gỗ và tổ chức vận chuyển về xuôi.

Người dân xung quanh khu vực này còn cho hay, số gỗ mun tại nhà Mai Văn Dinh khi vận chuyển đều đi ngang qua Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Một điều đáng nói nữa đây cũng là con đường độc đạo dẫn vào phía khu vực rừng bị tàn phá.

Nghi vấn có sự tiếp tay cho lâm tặc

Trong quá trình điều tra vụ việc này, một nguồn tin riêng của Dân trí cho biết, lực lượng kiểm lâm của VQG phong Nha – Kẻ Bàng phát hiện ra vụ phá rừng gỗ mun nghiêm trọng này là nhờ một nguồn tin từ nội bộ của Đồn Biên phòng Cồn Roàng.  

Bên cạnh đó, phía Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng khẳng định từ vị trí rừng bị phá về xuôi chỉ có duy nhất một con đường độc đạo là đường 20 - Quyết Thắng. Tất cả các xe biển xanh hay biển trắng đi ra vào đều bị kiểm tra gắt gao, không phát hiện trường hợp nào chở gỗ lậu.

Tuy nhiên, việc kiểm tra các xe mang biển đỏ lại rất khó khăn, đặc biệt, trên địa bàn biên giới xã Thượng Trạch có 2 đồn biên phòng thì lực lượng kiểm lâm chỉ kiểm tra được xe của Đồn Cà Roòng.

Riêng Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Đồn trưởng đồn này là Thượng tá Nguyễn Hữu Trung nhất quyết không cho kiểm tra với lý do xe quân sự, chỉ có kiểm soát quân sự mới có quyền. Cũng bởi vậy, nhiều nghi vấn đã được đặt ra liệu có việc xe “biển đỏ” đã thực hiện việc đưa gỗ từ khu vực phá rừng về xuôi hay không?

“Những lần lực lượng kiểm lâm đón dừng và kiểm tra xe biển đỏ của Đồn Biên phòng Cồn Roàng, trên xe lúc nào Đồn trưởng Nguyễn Hữu Trung cũng cầm lái và nhất quyết không cho kiểm tra xe”, một vị lãnh đạo VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tiết lộ.

Tiết lộ bất ngờ về chân tướng nhóm lâm tặc phá rừng gỗ quý ở Phong Nha - Kẻ Bàng - 4

Đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Bình mới đây đã tiến hành kiểm tra và bước đầu cho thấy khối lượng gỗ khai thác trái phép đo được tại hiện trường là hơn 100m3.

Ngoài ra, theo phản ánh từ lực lượng kiểm lâm của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, khi lực lượng này có kế hoạch tuần tra kiểm soát các khu vực rừng gần biên giới hay đo đếm khu vực rừng bị phá thường bị Đồn Biên phòng Cồn Roàng gây khó dễ bằng những quy định thông qua rất khắt khe. Những quy định này đã ảnh hưởng rất lớn đến tính bí mật, bất ngờ trong công tác tuần tra, kiểm soát.

Ở một diễn biến mới nhất mà Dân trí đã cập nhật, đoàn liên ngành điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở về. Thông tin ban đầu, khối lượng gỗ khai thác trái phép đo được tại hiện trường là hơn 100m3. Vụ việc hiện đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để chuyển giao cho Công an huyện Bố Trạch khởi tố vụ án. 

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Đặng Tài