1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Vụ nhóm phụ nữ mặc áo ngực la hét ở công trường: Đã 2 lần nhận đền bù?

Bình Minh

(Dân trí) - Cho rằng một phần đất của gia đình trong phạm vi dự án chưa được bồi thường nên khi dự án thi công, các thành viên của gia đình ông Lanh nhiều lần đến cản trở khiến việc xô xát giữa hai bên xảy ra.

Ngày 20/2, trao đổi với PV Dân trí, đại diện UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến xô xát giữa công nhân đang thi công Dự khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Linh Trường và gia đình ông Trần Văn Lanh (thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường), là do ông Lanh cho rằng một phần đất trong phạm vi dự án là đất của gia đình ông chưa được bồi thường, hỗ trợ.

Hồ sơ thể hiện đất của xã, công dân khẳng định có chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo UBND huyện Hoằng Hóa, đầu năm 2020, ông Trần Văn Lanh có đơn gửi đến UBND huyện, xã và các ngành cấp tỉnh về việc năm 1995, ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trồng rừng, nhưng năm 2003, UBND xã Hoằng Trường thu lại GCNQSDĐ, không trả lại cho gia đình ông; khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất cho doanh nghiệp, gia đình ông không được bồi thường tiền đất mà chỉ được nhận bồi thường về tài sản trên đất.

Vụ nhóm phụ nữ mặc áo ngực la hét ở công trường: Đã 2 lần nhận đền bù? - 1

Nhóm phụ nữ chỉ mặc áo ngực la hét, xô xát với nhóm công nhân thi công dự án (Ảnh: Cắt từ clip).

Sau khi nhận được đơn, UBND huyện Hoằng Hóa giao Phòng TN&MT, Thanh tra huyện phối hợp với UBND xã Hoằng Trường kiểm tra, giải quyết đơn.

Tại hồ sơ thể hiện, diện tích đất ông Lanh đề nghị là khu đất ven biển thuộc thôn Giang Sơn. Tại khu đất này, trước đây, UBND xã Hoằng Trường giao cho các cụ cao tuổi trong thôn sử dụng để trồng cây phi lao.

Đến năm 1993, sau khi củng cố tổ chức của các chi hội đoàn thể ở cơ sở, UBND xã phân chia diện tích đất rừng trồng ven biển thuộc thôn Giang Sơn cho các chi hội trồng cây lấy quỹ hoạt động và khoảng hơn 2 ha được ông Lanh trồng cây lấy củi.

Trên bản đồ địa chính xã, vị trí đất gia đình ông Lanh trồng cây, chủ sử dụng là UBND xã, loại đất trồng rừng.

UBND huyện Hoằng Hóa cũng thông tin, về GCNQSDĐ như ông Lanh nói, ông chỉ cung cấp một bản photocopy, không có bản gốc. GCNQSD đất này thể hiện diện tích 2,03 ha, loại đất trồng rừng, chủ sử dụng đất là ông Trần Văn Lanh.

Tuy nhiên, trong hồ sơ lưu trữ thì không có hồ sơ cấp GCNQSDĐ đất rừng trồng đứng tên ông Trần Văn Lanh vào năm 1995 và hồ sơ quản lý đất đai tại xã không thể hiện ông Trần Văn Lanh có 2,03 ha đất rừng trồng tại vị trí trên.

Việc ông Lanh chỉ cung cấp được bản photocopy mà không có bản gốc được ông giải thích năm 2003 cán bộ địa chính xã đã thu GCNQSD đất của gia đình ông nhưng không trả lại. Tuy nhiên, ông không cung cấp được biên bản hoặc giấy tờ thể hiện việc thu nhận này. Trong buổi họp làm rõ sự việc, bản thân cựu cán bộ địa chính cũng không nhận mình thu hồi GCNQSDĐ của ông Lanh; nguyên Chủ tịch UBND xã thời kỳ đó cũng chỉ làm việc với ông Lanh về việc thu hồi đất.

Kết luận của UBND huyện Hoằng Hóa khẳng định, thông tin thể hiện trong GCNQSDĐ do ông Lanh cung cấp không đúng với thực tế, việc ông phản ánh GCNQSD đất bị thu không có cơ sở. 

Đã nhận tiền bồi thường 2 lần?

Theo thông tin từ UBND huyện Hoằng Hóa, năm 2003, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương thu hồi đất tại xã Hoằng Trường giao cho Công ty Xuất nhập khẩu INTIMEX thuê. UBND xã Hoằng Trường đã thông báo về việc thu hồi đối với đất do UBND xã quản lý đang giao khoán cho các hộ gia đình, các chi hội ở thôn Giang Sơn.

Quá trình kiểm kê, áp giá bồi thường, đại diện công ty, UBND xã và ông Lanh đã ký hồ sơ bồi thường GPMB. Trong đó, tiền bồi thường đối với cây cối, hoa màu trên đất do ông Lanh ký tên, nhận tiền; tiền hỗ trợ đất lâm nghiệp nộp vào ngân sách xã. Ông Lanh sau khi nhận tiền bồi thường, đã bàn giao đất cho công ty INTIMEX quản lý, thực hiện dự án và không có ý kiến thắc mắc gì.

Tuy nhiên, sau nhiều năm không sử dụng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty cổ phần INTIMEX giao cho UBND xã Hoằng Trường quản lý.

Đến năm 2011, tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương và địa điểm thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Linh Trường của Công ty TNHH Quốc Trí. Công ty TNHH Quốc Trí đã phối hợp với UBND xã Hoằng Trường thực hiện việc thỏa thuận với các hộ dân (trong đó có hộ ông Lanh) để tiến hành kiểm kê, bồi thường theo quy định.

Ông Lanh đã ký tên vào thỏa thuận bồi thường tài sản trên đất và nhận số tiền hơn 86 triệu đồng do công ty TNHH Quốc Trí chi trả, đồng thời ký vào bản cam kết trong đó có nội dung: "Thực hiện việc di dời trả lại mặt bằng liên quan cho công ty TNHH Quốc Trí thực hiện dự án".

"Như vậy, khi thực hiện 2 dự án năm 2003 và 2011, trên cùng một diện tích đất, công ty INTIMEX và công ty Quốc Trí đã chi trả tiền bồi thường về đất cho ngân sách xã; chi trả tiền bồi thường về cây cối, hoa màu, tài sản gắn liền với đất cho ông Lanh.

Ông Lanh đã đồng ý, ký biên bản kiểm kê, áp giá, nhận tiền bồi thường về cây cối, hoa màu đầy đủ và cam kết di dời bàn giao mặt bằng cho công ty Quốc Trí. Từ khi nhận tiền của công ty Quốc Trí (năm 2011) đến hết năm 2019, ông Lanh không có ý kiến gì", đại diện UBND huyện Hoằng Hóa khẳng định.

Cũng theo UBND huyện Hoằng Hóa, do không đồng ý giải quyết của huyện nên ông Lanh có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa và hiện vụ việc đang được đơn vị này thụ lý giải quyết.

Vào ngày 18/2, một clip quay nhóm phụ nữ chỉ mặc áo ngực xô xát với nhóm người mặc áo công ty tại công trường đang thi công Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Linh Trường.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa, ngày 17/2, người nhà ông Lanh gây thương tích cho công nhân đang thi công tại dự án Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Linh Trường, đến 8h sáng ngày 18/2 thì tiếp tục xảy ra xô xát giữa hai bên.

Sự việc trên đã được lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa chỉ đạo UBND xã Hoằng Trường và Công an huyện vào cuộc điều tra xác minh, làm rõ. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư tạm dừng thi công khu vực đang có thắc mắc của gia đình ông Lanh.