1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ “nhiễm HIV oan” hơn 10 năm: Có được bồi thường không?

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, từ trước tới nay chưa có quy định nào về việc bồi thường do xét nghiệm nhầm như trường hợp của anh Hoàng Khắc Sửu ở Nghệ An. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM - khẳng định khi cơ quan nhà nước gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường.

Anh Hoàng Khắc Sửu bị nhiễm HIV oan hơn 10 năm trời (Ảnh: Hoàng Lam).
Anh Hoàng Khắc Sửu bị "nhiễm HIV oan" hơn 10 năm trời (Ảnh: Hoàng Lam).

Trao đổi với Dân trí ngày 11/4, Trung tướng Tạ Xuân Bình - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an - cho biết cơ quan này chưa nhận được hồ sơ của anh Hoàng Khắc Sửu (SN 1973, trú tại phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) - người bị kết luận nhiễm HIV nhưng hơn 10 năm sau mới phát hiện không bị bệnh.

“Khi nào nhận được hồ sơ của anh ấy và nghiên cứu kỹ lưỡng mới có thể trả lời cụ thể”- tướng Bình nói.

Trong khi đó, một cựu lãnh đạo Tổng cục VIII (đề nghị không nêu tên) cho rằng trường hợp bị kết luận nhiễm HIV nhầm như anh Hoàng Khắc Sửu là cực kỳ hi hữu. “Theo thông tư liên tịch giữa ngành công an và y tế hướng dẫn thực hiện việc này thì toàn bộ việc xét nghiệm HIV/AIDS, kết quả xét nghiệm thuộc ngành y tế. Bên trại giam chỉ quản lý về giam giữ mà thôi. Theo tôi được biết, từ trước tới nay chưa có quy định nào về việc bồi thường do xét nghiệm nhầm như thế này cả”- vị này nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM - khẳng định khi cơ quan nhà nước gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường.

“Trước hết anh Hoàng Khắc Sửu phải có đơn yêu cầu cơ quan liên quan trong việc này xem xét giải quyết xin lỗi, bồi thường cho những tổn thất tinh thần mà mình đã phải gánh chịu trong suốt thời gian bị tiếng oan nhiễm HIV đó. Từ đó hai ngành công an và y tế mới có cơ sở để ngồi lại với nhau, lục lại hồ sơ vụ việc xem trách nhiệm thuộc về đơn vị nào. Việc này rất quan trọng, bởi nó sẽ trở thành bài học trong phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc xét nghiệm, kết luận một phạm nhân nào đó nhiễm phải căn bệnh thế kỷ trong tương lai”- luật sư Hậu nói.

Ông Hậu cho rằng thời điểm 10-13 năm trước, công nghệ y tế phục vụ xét nghiệm nhiễm HIV/AIDS chưa hiện đại như hiện nay, nếu không muốn nói là còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, để kết luận một con người có nhiễm HIV hay không, thông thường phải trải qua nhiều lần xét nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. “Tại sao anh Sửu đã trở về địa phương, được quản lý ở trung tâm y tế suốt nhiều năm nhưng không được đưa đi khám sức khỏe, xét nghiệm HIV ?”- ông Hậu đặt vấn đề.

Như Dân trí đã liên tục phản ánh, năm 2003, anh Hoàng Khắc Sửu đang thụ án tại Trại giam số 3 - Bộ Công an đóng tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được đưa đi lấy máu xét nghiệm theo chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS thực hiện. Kết quả cho thấy anh Hoàng Khắc Sửu bị nhiễm HIV. Khoảng năm 2004, 2005, thông qua một người quen làm trong ngành y tế, gia đình biết tin anh Sửu bị nhiễm HIV. Vào thời điểm này, anh Sửu hoàn toàn không biết có kết quả xét nghiệm mình dương tính với kháng thể HIV.

“Lúc hay tin tôi sốc lắm, nghĩ đời mình coi như vứt rồi. Nhiều đêm không ngủ được đâm ra nghĩ quẩn, muốn chết đi cho rồi nhưng thương mẹ. Mình ở trong trại dằn vặt một thì mẹ ở ngoài khổ tâm 10 vì bị hàng xóm láng giềng kỳ thị, xa lánh. Mình có hút chích chơi bời đâu mà nhiễm được?”- anh Sửu nhớ lại.

Ngày 9/9/2014 anh Sửu đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An kiểm tra. Kết quả “âm tính với HIV”. Chưa dám tin, anh Sửu lại đến Bệnh viện đa khoa Nghệ An kiểm tra, lần này kết quả vẫn là “âm tính với HIV”. Ngày 26/12/2014, tức là sau 3 tháng kể từ lần xét nghiệm đầu tiên, anh Sửu đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS để xét nghiệm lại lần nữa và được kết luận không phát hiện kháng thể HIV trong máu.

Tuy nhiên đến nay chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm trong việc kết luận anh Sửu bị “nhiễm HIV oan”. 

Thế Kha