1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm: Bởi một chữ “Tình”?

(Dân trí) - Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm mới khép lại, những người quan tâm theo dõi vụ án đều cảm thấy phiên tòa có phần “nhạt”. Các bị cáo đều nhanh chóng nhận tội và đều đổ tại 4 chữ “tình cảm, nể nang”.

“Người ta nhờ, chúng tôi không giúp thì khó nói lắm!”

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm mới khép lại, những người quan tâm theo dõi vụ án đều cảm thấy phiên tòa có phần “nhạt”, bởi không có những tình tiết “phản pháo” gây bất ngờ tại tòa, cũng không có những phần tranh tụng “nảy lửa”. Hầu hết các bị cáo đều nhanh chóng nhận tội và khẳng định cáo trạng truy tố của VKS là đúng người, đúng tội.

Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm: Bởi một chữ “Tình”?

Bị cáo Nguyễn Thị Xuyên: "Chúng tôi sai vì làm việc ở quê mà, tình cảm khó nói lắm!". (Ảnh: Tuấn Hợp)

Xuyên suốt phiên tòa, người ta thấy nổi lên cụm từ “tình cảm, nể nang”. Buổi sáng ngày 7/3, trong phần xét hỏi công khai của HĐXX, các bị cáo Vương Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, mình là nhân viên hợp đồng của bệnh viện, bản thân bị cáo có in hàng trăm kết quả xét nghiệm nhưng không nhớ cụ thể. Việc làm này của bị cáo là do sự chỉ đạo của Kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh (bà Oanh hiện đang được đình chỉ bị can).

Theo lời khai của các bị cáo tại tòa, phần vì thân phận mình mới được nhận vào làm nhân viên hợp đồng nên bị “sức ép” từ cấp trên, phần vì nể nang đồng nghiệp khoa khác nên dù biết việc in kết quả xét nghiệm như vậy là sai trái nhưng vẫn làm, bởi những điều “tế nhị” trong cơ quan. Các bị cáo cũng chỉ nghĩ đơn giản là đồng nghiệp khoa khác xin kết quả xét nghiệm để hoàn thiện hồ sơ và tăng thu nhập cho bệnh viện nên bị cáo mới giúp đỡ vì “nể nang”.

Bị cáo Vương Thị Kim Thành - nguyên trưởng khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - cũng khẳng định tại tòa: Việc làm của bị cáo tuy sai nhưng cũng chỉ vì “tình cảm, nể nang” các đồng nghiệp và người thân chứ không phải in khống các kết quả xét nghiệm để cho các bệnh nhân khác. Kết quả đó chỉ được để vào trong hồ sơ rồi lấy tiền bảo hiểm xã hội tăng thu nhập cho bệnh viện.

Đến chiều cùng ngày, trong phần tranh tụng, khi tòa cho các bị cáo phát biểu ý kiến, không quanh co “chối tội”, bị cáo Nguyễn Thị Xuyên đã thẳng thắn nhận tội và cho rằng, việc làm của các bị cáo tuy có sai nhưng may mắn chưa có bệnh nhân nào bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bị cáo Vương Thị Kim Thành lĩnh 12 tháng tù giam (Ảnh: Tuấn Hợp)


Bị cáo Vương Thị Kim Thành lĩnh 12 tháng tù giam (Ảnh: Tuấn Hợp)

“Bị cáo mong dư luận hãy hiểu và thông cảm, cái sai của chúng tôi là sống ở vùng quê. Mà ở quê chữ “tình” rất khó nói. Ví như hàng xóm láng giềng nhờ tôi xin cho một kết quả xét nghiệm để đi lao động, nếu không giúp nhau thì cũng khó ăn nói lắm! Ngoài ra các đồng nghiệp trong bệnh viện xin một kết quả xét nghiệm cho người nhà hay để hoàn thiện hồ sơ, không lẽ không giúp đỡ? Chúng tôi phạm tội cũng chỉ vì tình cảm, nể nang mà thôi!”, bị cáo Xuyến phân trần.

Luật pháp bất vị thân

Có thể nói, sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, nhiều người bỗng thấy, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm không đến mức “kinh khủng” như dư luận bức xúc trước đây. Còn nhớ khi vụ việc mới được báo chí phanh phui, nhiều người hồ nghi số tiền trục lợi của đội ngũ y bác sỹ lên đến cả tỉ đồng. Thực tế, vụ án gây thiệt hại 16 triệu đồng cho bảo hiểm xã hội.

Luật sư Nguyễn Ngọc Chất, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ cho thân chủ Vương Thị Kim Thành, lập luận, giả sử số tiền 16 triệu đồng mà các bị cáo chiếm dụng của bảo hiểm sau đó đem ra chia đều cho 197 cán bộ trong bệnh viện thì số tiền chia chác là 8.500 đồng/người/tháng.

Ngoài ra các cơ quan tố tụng cũng cho rằng, chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào điều trị, chưa xác định được bệnh nhân nào bị tổn hại sức khỏe do sử dụng các kết quả xét nghiệm trùng nhau. Trước đó, số bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm khống cũng đã được đưa đi làm xét nghiệm lại nhưng tất cả đều cho kết quả xét nghiệm huyết học bình thường, không có người nào có kết quả xấu từ việc xét nghiệm huyết học trùng.

9 bị cáo trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm lĩnh 9 bản án khác nhau. (Ảnh: Tuấn Hợp)

9 bị cáo trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm lĩnh 9 bản án khác nhau. (Ảnh: Tuấn Hợp)

Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo không chỉ đơn thuần là vi phạm phạm pháp luật mà nghiêm trọng hơn là vi phạm 12 điều y đức, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp, gây hoài nghi và suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào đội ngũ y, bác sĩ, gây dư luận xấu trong xã hội.

9 bị cáo trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm đã lĩnh 9 bản án khác nhau. Luật pháp nghiêm minh. “Luật pháp bất vị thân”!

Tuấn Hợp