1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Vụ nhà máy thủy điện cấm đường: Cơ quan thanh tra vào cuộc

Minh Hậu

(Dân trí) - Liên quan vụ Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo cấm đường, không cho người dân đi lại, chính quyền địa phương đã chuyển thông tin, tài liệu cho cơ quan thanh tra.

Thu hồi đường đi nhưng không đền bù

Trả lời phóng viên Dân trí, đại diện UBND huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cho biết, con đường xảy ra tranh chấp giữa người dân và nhà máy Thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo (xã Lát, huyện Lạc Dương) có tổng chiều dài gần 700m.

Con đường này đi qua tuyến năng lượng và cửa đập lấy nước của nhà máy thủy điện với điểm đầu tiếp giáp đường DT726, điểm cuối tiếp giáp thửa đất 141 của người dân.

Vụ nhà máy thủy điện cấm đường: Cơ quan thanh tra vào cuộc - 1

Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo đóng cổng, cấm người dân qua lại (Ảnh: Minh Hậu).

Theo UBND huyện Lạc Dương, năm 2007, cơ quan chức năng lập bản đồ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án nhà máy thủy điện và đề cập con đường này chỉ dài 543m, đoạn đầu không tiếp giáp với đường DT726. Thay vào đó, con đường này chỉ kéo dài từ ranh thửa đất 102 đến thửa đất số 141, phục vụ việc đi lại cho các hộ dân có diện tích đất sản xuất nông nghiệp phía trong.

Năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi đất, giao cho chủ đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo với tổng diện tích trên 51ha. Trong quá trình xây dựng lòng hồ thủy điện, con đường dài 543m cũng bị thu hồi.

UBND huyện Lạc Dương thông tin, khi xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng chỉ thực hiện bồi thường cho các hộ dân có đất sản xuất bị ảnh hưởng.

Vụ nhà máy thủy điện cấm đường: Cơ quan thanh tra vào cuộc - 2

Người dân chui kẽ hở mương nước để về nhà vào ngày 2/7 (Ảnh: Minh Hậu).

Huyện Lạc Dương xác định con đường dài 543m nêu trên là đường đi chung nên không xây dựng phương án bồi thường, chỉ thực hiện công tác thu hồi đất. Phần còn lại của con đường dài khoảng 152m trước đây nằm trong ranh giới thửa đất 141 của gia đình ông Phùng Văn Giáo, cơ quan chức năng đã tính toán, bồi thường giải phóng mặt bằng.

"Để đảm bảo hoạt động vận hành Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo an toàn, chấm dứt tình hình tranh chấp, khiếu kiện, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và tạo điều kiện cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi, UBND huyện Lạc Dương đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND xã Lát, các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát hướng tuyến đường mới khoảng 1,2km để các hộ dân đi lại", UBND huyện Lạc Dương thông tin.

Đường mới chưa xong đã đóng cổng, cấm đường cũ

Tháng 3/2023, UBND huyện Lạc Dương phối hợp cùng chủ đầu tư nhà máy thủy điện là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng điện Long Hội đầu tư, xây dựng, cải tạo đường dốc Min để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đối với tuyến đường dốc Min, UBND huyện Lạc Dương xây dựng đoạn có chiều dài hơn 758m, chủ đầu tư nhà máy thủy điện thi công 710m. Con đường này có thiết kế nền rộng 5m, mặt đường rộng 3,5m và cấp phối sỏi đồi theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn.

Vụ nhà máy thủy điện cấm đường: Cơ quan thanh tra vào cuộc - 3

Đoạn đường bị Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo khóa cửa, cấm người dân đi lại (Ảnh: Minh Hậu).

UBND huyện Lạc Dương xác nhận, tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng điện Long Hội đã đóng cửa con đường đi qua cửa lấy nước của công trình thủy điện với lý do đảm bảo an toàn hồ đập theo Luật thủy lợi. Tuy nhiên, con đường dốc Min mới được làm có độ dốc lớn, mặt đường đá cấp phối nên người dân đi lại khó khăn.

"Người dân có nhu cầu sử dụng tuyến đường cũ nhưng công ty rào chắn, không cho đi dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, gây mất an toàn, an ninh trật tự", UBND huyện Lạc Dương cho biết.

Được biết, UBND huyện Lạc Dương, UBND xã Lát đã trao đổi thông tin, đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng điện Long Hội mở cửa theo giờ cố định để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và học sinh. Tuy nhiên, đến nay, người dân xã Lát cho biết, công ty này vẫn không hợp tác, tiếp tục cấm đường.

Vụ nhà máy thủy điện cấm đường: Cơ quan thanh tra vào cuộc - 4

Người dân gặp khó khăn khi di chuyển theo đường dốc Min (Ảnh: Minh Hậu).

Theo UBND huyện Lạc Dương, phương án đầu tư đường giao thông theo hướng tuyến dốc Min là tối ưu, phù hợp các quy định của pháp luật. Huyện này giao UBND xã Lát làm chủ đầu tư, thực hiện sửa chữa, hạ độ đốc, mở rộng một số điểm gấp khúc… để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. UBND huyện Lạc Dương cho biết, tiến độ công trình này hiện đạt 50%.

"Hiện nay, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về việc cung cấp thông tin, tài liệu để giải quyết đơn của công dân liên quan đến dự án Thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội. Do đó, UBND huyện Lạc Dương sẽ thực hiện theo các chỉ đạo của cấp trên sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh", UBND huyện Lạc Dương cho biết.

Về vấn đề Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo cấm đường nêu trên, tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí tháng 7 vào ngày 19/7 vừa qua, ông Ngô Văn Ninh, người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Văn phòng UBND tỉnh này sẽ tổng hợp thông tin vụ việc và báo cáo UBND tỉnh xử lý trong thời gian tới.

Nhà máy thủy điện để xảy ra bức xúc nhiều năm

Theo phản ánh của người dân, từ ngày 2/2 đến nay, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội - chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo làm hàng rào thép gai; lắp đặt cửa sắt, chặn lối đi lại qua khu vực cửa van điều tiết nước khiến hàng chục hộ dân có nhà ở và đất sản xuất ở phía trong bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đình Chiến (50 tuổi, trú thôn Păng Tiêng, xã Lát) cho biết, con đường đi qua khu vực van điều tiết nước là tuyến độc đạo, hình thành trước khi nhà máy thủy điện được xây dựng.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở xã Lát vào ngày 1/7, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dự án Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạchomo đã để xảy ra bức xúc nhiều năm.

Ông S đề nghị UBND huyện Lạc Dương nắm bắt tình hình thực tế để có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý.

Ông Phạm S thông tin, năm 2019, chủ đầu tư đã thỏa thuận, đồng ý để người dân sử dụng đường. Do vậy, ông đề nghị đơn vị này thực hiện đúng thỏa thuận, mở đường cho người dân đi lại.