An Giang:
Vụ mỏ cát 2.811 tỷ đồng: Cuộc đấu giá rất kịch tính
(Dân trí) - Về vụ mỏ cát có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng nhưng giá trúng thầu lên đến 2.811 tỷ đồng, hồ sơ đấu giá cho thấy, cuộc đấu giá giữa các doanh nghiệp diễn ra rất kịch tính.
Ngày 12/4, PV Dân trí có buổi làm việc với bà Đặng Nguyễn Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang (thuộc Sở Tư pháp An Giang) xung quanh cuộc đấu giá quyền khai thác 2 mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu được dư luận đặc biệt quan tâm khi kết quả đấu giá mang về nguồn thu cho ngân sách An Giang trên 3.000 tỷ đồng.
Bà Châu cho biết, đơn vị được UBND tỉnh An Giang chọn làm đơn vị tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới), khối lượng 3 triệu m3 cát, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng; mỏ cát trên sông Hậu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú), trữ lượng 1,5 triệu m3, giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng. Giá khởi điểm 2 mỏ cát do UBND tỉnh An Giang ấn định.
Sau thời gian thông báo đấu giá và hội đồng đấu giá lựa chọn doanh nghiệp tham gia đấu giá, đến ngày 26/3, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức đấu giá 2 mỏ cát nói trên. Mỏ cát trên sông Tiền có 19 doanh nghiệp tham gia, trải qua 45 vòng đấu; mỏ cát trên sông Hậu có 16 doanh nghiệp tham gia, với 10 vòng đấu.
Đối với mỏ cát sông Tiền, cuộc đấu giá rất kịch tính khi các doanh nghiệp rượt đuổi đấu giá rất quyết liệt. Tuy nhiên, đến vòng 30 chỉ còn 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá là Công ty TNHH Dịch vụ T.S Home và Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích (cả 2 công ty này đều có trụ sở ở TPHCM). Kết quả cuối cùng, Công ty TNHH Dịch vụ T.S Home trúng quyền khai thác cát với giá 2.811 tỷ đồng.
Còn đối với mỏ cát trên sông Hậu, đến vòng đấu thứ 8 chỉ còn 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tâm Phát Phú Quốc và Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích) tham gia. Kết quả Công ty Phúc Thành Tân Châu trúng quyền khai thác mỏ cát này với giá 273 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, mỏ cát sông Tiền có quy mô khai thác 60,3ha, độ sâu -16m, vị trí cách bờ 200m; mỏ sông Hậu có quy mô 58,3ha, độ sâu dự kiến -14m, vị trí khai thác có tọa độ và cách bờ 15m.
Nhận định về kết quả đấu thầu quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu, bà Đặng Nguyễn Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang, cho biết: "Khi tổ chức cuộc đấu giá 2 mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu, đơn vị đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá và đơn vị là chủ tài sản được đấu giá. Chính nhờ cách làm đó đã mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước khi 2 doanh nghiệp trúng quyền khai thác 2 mỏ cát nộp trên 3.000 tỷ đồng cho địa phương".
Theo bà Châu, khi tổ chức đấu giá, tài sản được đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm hàng chục, hàng trăm lần là chuyện bình thường. Vì mục đích của trung tâm đấu giá là làm sao việc tổ chức đấu giá, nhất là tài sản công đúng quy định pháp luật mà mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước.
"Đây cũng là điều chúng tôi muốn người dân nhìn nhận, thay vì nghĩ đến chuyện cuộc đấu giá thế này thế kia. Vì nếu làm không tốt, các đơn vị đấu giá họ bắt tay nhau, kết quả trúng đấu giá chỉ chênh lệch so với giá khởi điểm vài lần là thiệt hại cho ngân sách" - bà Châu chia sẻ.
Bà Châu cũng cho biết thêm, trong trường hợp doanh nghiệp trúng quyền khai thác mỏ cát bỏ tiền cọc (15% so với giá khởi điểm, tức hơn 1 tỷ đồng), đơn vị sẽ hoàn thành hồ sơ để chuyển cho cơ quan chức năng An Giang xem xét, tiến hành các thủ tục đấu giá lại quyền khai thác mỏ cát. Không có chuyện doanh nghiệp trúng đấu giá "bỏ chạy" thì trao quyền khai thác cát cho doanh nghiệp đứng thứ 2.
Hiện nay, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang bàn giao cho chủ tài sản đấu giá là Sở TN-MT. Doanh nghiệp trúng quyền khai thác cát mỏ sông Tiền, sông Hậu sẽ liên hệ với Sở TN-MT thực hiện các bước tiếp theo như đóng tiền lần 1, làm thủ tục giấy phép khai thác mỏ cát…