An Giang:
Bất thường mỏ cát 3 triệu m3 được doanh nghiệp mua với giá... 2.811 tỷ đồng
(Dân trí) - Một doanh nghiệp ở TPHCM bỏ ra số tiền 2.811 tỷ đồng để đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với trữ lượng 3 triệu m3. Lãnh đạo Sở TN-MT An Giang cho biết, đây là một kết quả đột biến!
Theo Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, vừa qua đơn vị tổ chức đấu giá công khai quyền khai thác cát sông tại 2 mỏ cát trên sông Hậu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) và trên sông Tiền (khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới). Mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng khoảng 3 triệu m3 cát, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng; còn mỏ cát trên sông Hậu có trữ lượng hơn 1,5 triệu m3, giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng.
Qua kết quả đấu giá, một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh trúng thầu quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với giá 2.811 tỷ đồng. Một doanh nghiệp khác trúng quyền khai thác cát trên sông Hậu với giá 273 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp ở An Giang chuyên kinh doanh cát san lấp cho biết, với trữ lượng 3 triệu m3 cát mà giá trúng thầu lên đến 2.811 tỷ đồng là điều không tưởng và doanh nghiệp không bao giờ làm được vì không có lời. Hiện nay, 1m3 cát san lấp có giá từ 50.000 - 60.000 đồng, trừ thuế và chi phí thì 1m3 cát còn lời khoảng 40.000 đồng. Như vậy, nếu doanh nghiệp khai thác đúng trữ lượng như kết quả đấu giá thì chỉ thu về được số tiền khoảng 120 tỷ đồng.
Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định, với mỏ cát sông Tiền, nếu có giá 40 - 50 tỷ đồng thì có thể khai thác, kiếm lời. Còn như giá hiện tại, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bỏ cuộc.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở TN-MT An Giang cho biết: "Việc đấu giá khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu đã từng được tổ chức. Tuy nhiên, với kết quả một doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền với số tiền 2.811 tỷ đồng thì đúng là kết quả đột biến. Do đó, nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ bỏ quyền khai thác cát".
Nhận định về số tiền trúng quyền khai thác cát trên sông Hậu với giá 273 tỷ đồng để khai thác 1,5 triệu m3 cát, ông Trí cũng cho rằng khá cao. Những năm trước, 2 mỏ cát này đều có giá thấp hơn nhiều so với kết quả đấu giá hiện tại.
Theo ông Trí, để doanh nghiệp trúng đấu giá có giấy phép khai thác cát, doanh nghiệp phải đóng tiền đợt 1 khoảng 140 tỷ đồng, đây là số tiền lớn. Còn trong trường hợp DN "bỏ chạy" thì mất tiền cọc 1,4 tỷ đồng. Hiện nay, quy định pháp luật cũng chưa có chế tài xử lý trường hợp doanh nghiệp trúng thầu rồi bỏ.