1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ kiện Vedan của nông dân Đồng Nai: “Rối như canh hẹ”…

(Dân trí) - Chiều 20/8, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai có cuộc họp với lãnh đạo UBND 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch và 4 xã bị thiệt hại để tính toán mức độ thiệt hại của từng hộ dân nhưng càng tính càng… “rối như canh hẹ”.

Vụ kiện Vedan của nông dân Đồng Nai: “Rối như canh hẹ”… - 1
Ông Lương Văn Trường - Chủ tịch Hội ND xã Phước Thái cho rằng, với các cách tính mà Sở TN&MT đưa ra, nông dân xã mình thiệt thòi nhiều.

Mở đầu cuộc họp, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết rõ, chủ trương cuộc họp là thống nhất phương pháp tính toán, tính được mức độ thiệt hại, chuẩn bị cho cuộc họp vận động nông dân chấp nhận mức đền bù 120 tỷ đồng và rút đơn kiện vào tuần sau (23/8). Tuy nhiên, suốt buổi họp chiều ngày 20/8, mọi cách tính toán mà Sở TN&MT đưa ra đều bị phản đối quyết liệt và kết quả cuộc họp quay về con số…0.

Sở TN&MT cũng như UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận lấy kết luận của Viện Môi trường - Tài nguyên để làm căn cứ đòi Vedan bồi thường gần 120 tỷ đồng. Theo cách tính toán của Viện Môi trường - Tài nguyên, Vedan đã gây ô nhiễm làm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản của nông dân là 104 tỷ đồng và đối với hoạt động đánh bắt thủy sản là 15 tỷ đồng. Nếu đem chia khoản tiền đền bù nuôi trồng, đánh bắt thủy sản này ra thì nông dân huyện Nhơn Trạch được bồi thường hơn 88,8 tỷ đồng, nông dân huyện Long Thành được hơn 30,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số tính toán này đưa ra mức giá bồi thường là quá thấp so với thống kê của khoảng 4.569 hộ dân.

Trong buổi họp bàn, Sở TN&MT Đồng Nai đưa ra 2 phương án tính toán thiệt hại. Cách thứ nhất, lấy số tiền mà Viện MT&TN đã tính cho từng huyện, xã (120 tỷ đồng) chia theo tổng diện tích đã thống kê của người dân để lấy con số thiệt hại bình quân trên mỗi ha. Từ đó nhân lên diện tích thiệt hại của từng hộ dân để ra số đền bù! Các hộ đánh bắt cũng được đề xuất chia bình quân theo… năm đánh bắt!

Tuy nhiên, cách tính “bình quân” này bị phản đối kịch liệt bởi tùy theo mức độ ô nhiễm, từng hộ dân có người thiệt hại nhiều, người thiệt hại ít. Ông Giang Chí An, phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết: “Các ấp thiệt hại trong xã sát ranh với nhau nhưng khi tính toán vùng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, nghiêm trọng, ô nhiễm thì rất khó nói với dân”.

Đại diện UBND các huyện, xã đều cho rằng phải tính ra mức độ thiệt hại chứ không thể phân chia tiền theo cách tính bình quân này được.

Cách tính toán phân chia kiểu bình quân không được đồng tình nên Sở TN&MT đưa ra cách tính thoán khác của Viện Tài nguyên – Môi trường dựa theo diện tích thiệt hại và mức độ ô nhiễm. Với cách tính toán này, thì mỗi hộ đánh bắt của xã Phước An chỉ được có 609.000 đồng/năm, xã Long Thọ được có 149.000 đồng/năm.

“Tại sao xã Phước Thái ngay cống xả của Vedan lại được tiền bồi thường ít nhất? Các hộ cách nhau có một bước chân nhưng tỷ lệ trách nhiệm của Vedan lại quá khác nhau. Chưa kể là Viện chỉ tính trong phạm vi bốn xã, trong khi thực tế bên ngoài phát sinh rất nhiều”, ông Lương Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái (Long Thành), bức xúc.

Cả 2 phương án tính toán thiệt hại đều không được tán thành nhưng để tìm ra cách tính toán tốt hơn nữa thì cuộc họp đều… bí. Trước tình thế này, ông Phan Văn hết, Phó Giám đốc Sở TN&MT “tái nhắc lại” hướng giải quyết của Sở là dựa theo tính toán của Viện Tài nguyên - Môi trường. Với hướng giải quyết này của Sở, đại diện chính quyền, nông dân các huyện, xã đã không chấp thuận.

Một vấn đề “oái ăm” khác cũng được đặt ra, theo cách khoanh vùng ô nhiễm của Viện Tài nguyên - Môi trường thì hiện vẫn còn nhiều hộ dân trong vùng ô nhiễm nhưng không được xếp vào “vùng” mà Viện đã “khoanh”. Vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, không thể bỏ qua những hộ phát sinh vì đây là một thiệt hại thực tế mà chính quyền đều biết. Tuy nhiên, việc tính toán đền bù cho các hộ dân phát sinh này như thế nào thì lãnh đạo Sở TN&MT đẩy cho xã.

Công Quang