Vụ JTC hối lộ: Nếu Nhật Bản ngừng tài trợ, Việt Nam sẽ phải tự bỏ tiền

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo quy định của các nhà tài trợ, trong đó có ODA Nhật Bản, nếu tiền được dùng không đúng mục đích họ sẽ không tài trợ nữa và Việt Nam phải bỏ tiền để thực hiện dự án.

Vụ JTC hối lộ: Nếu Nhật Bản ngừng tài trợ, Việt Nam sẽ phải tự bỏ tiền
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ chạy song song với cầu Long Biên.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 2/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cơ quan này đang chờ thông tin kết quả xử lý cuối cùng của vụ án Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu Yên Nhật (khoảng 16 tỷ đồng). Việc tiếp nhận thông tin từ phía Nhật Bản sẽ được thực hiện qua con đường ngoại giao.

Trả lời thắc mắc về số tiền mà đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nói sẽ thu hồi, ông Đông nói: “Không phải là thu hồi. Theo quy định chung của các nhà tài trợ thì nếu tiền đó được dùng không đúng họ sẽ không tài trợ nữa. Trong trường hợp đó thì bên mình phải dùng tiền của mình. Nhưng cái đó chưa có con số cuối cùng, chưa dứt khoát. Nguyên tắc của họ (JICA) là thế. Đối với những phần dự án có vi phạm, họ sẽ không tài trợ nữa”- ông Đông nói.

“Vậy các cá nhân để xảy ra sai phạm đó có phải bồi thường?”. Trả lời câu hỏi của PV Dân trí, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Cái đó do cơ quan điều tra xử lý”.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 1/4, ông  Yamamoto Kenichi - Phó đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam - cho biết vụ JTC hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi là lần thứ 2 kể từ năm 2008 phát hiện tình trạng hối lộ trong các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Phía Nhật Bản đang yêu cầu Việt Nam hoàn lại số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn trong dự án này vì đã để xảy ra sai phạm.

“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cung cấp chi phí để triển khai dự án. Việc hối lộ liên quan đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1- giai đoạn I bằng vốn ODA của Nhật Bản là có. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, người có lỗi là người đưa và nhận hối lộ chứ không phải là bản thân dự án”- ông Yamamoto Kenichi nói.

Ông Yamamoto Kenichi mong muốn đây là vụ hối lộ cuối cùng bởi nếu xảy ra lần thứ ba, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu Nhật Bản dừng cấp ODA cho Việt Nam.

Liên quan đến vụ án nhận hối lộ, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố Trần Quốc Đông - nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Phạm Hải Bằng - nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Phạm Quang Duy - nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Nguyễn Nam Thái - nguyên Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các Dự án Đường sắt; Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt.

Thế Kha