1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ dân chặn xe vào cảng biển: Yêu cầu làm rõ bồn nước "lạ"

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Chiều 21/7, tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND huyện Nghi Lộc và Công ty cổ phần xi măng Sông Lam tổ chức buổi đối thoại với người dân sau vụ chặn xe.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, Nghệ An khẳng định, việc bà con chặn xe đang lưu thông trên đường là vi phạm pháp luật. 

"Hiện nay bà con quan tâm đến tiêu chuẩn thông số về bụi, xử lý nước thải (chất thải), tiếng ồn, khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư gần nhất", ông Dũng nói.

Vụ dân chặn xe vào cảng biển: Yêu cầu làm rõ bồn nước lạ - 1

Trong vòng gần hai tháng người dân xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc đã hai lần chặn xe (Ảnh: Nguyễn Duy).

Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho rằng, cách thức mà Công ty xi măng Sông Lam cũng như các cơ quan chức năng khi thông báo kết quả quan trắc định kỳ, nhân dân chưa tiếp nhận được.

"Kết quả quan trắc đó đến được với người dân hay không, cách giám sát và công khai các chỉ số này, việc này người dân rất phân vân. Tôi tiếp xúc với một số người dân, họ cho rằng chưa biết được thông số nào. Các anh nên cử đại diện đến ở với dân một đêm xem sao. Chúng tôi cũng rất lo lắng công tác giám sát chỉ số trong đánh giá tác động môi trường", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, một số vấn đề đối với các ngành chức năng và phía Công ty cổ phần xi măng Sông Lam cần giải thích cho chính quyền địa phương và người dân, như: khu đất quy hoạch xây dựng bến bãi của doanh nghiệp; chức năng nhiệm vụ của cảng biển; vấn đề điều tiết giao thông trên tuyến đường đi vào cảng biển.

Vụ dân chặn xe vào cảng biển: Yêu cầu làm rõ bồn nước lạ - 2

Toàn cảnh buổi đối thoại vào chiều 21/7 (Ảnh: Nguyễn Duy).

Đặc biệt, ông Dũng đề nghị phía công ty giải thích cho chính quyền địa phương và bà con nhân dân biết về những bồn nước xuất hiện trong quá trình xây dựng bến cảng mà người dân nghi ngờ là bồn chứa nước thải của doanh nghiệp...

Đây là các nguyên nhân dẫn đến việc những ngày qua người dân ra đường chặn không cho ô tô chở nguyên, vật liệu ra vào cảng Vissai của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam.

Hồi cuối tháng 6, người dân xóm Hải Thịnh (xã Nghi Thiết) chặn không cho xe đi qua tuyến đường D4 để vào cảng Vissai. Người dân cho rằng trong cảng đang lắp đặt hệ thống máy móc sàng tuyển than gây ô nhiễm môi trường... Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã yêu cầu tháo dỡ máy móc sàng tuyển than.

Vụ dân chặn xe vào cảng biển: Yêu cầu làm rõ bồn nước lạ - 3

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, tại buổi đối thoại (Ảnh: Nguyễn Duy).

Ngày 20/7, người dân xóm Hải Thịnh tiếp tục ra chặn không cho xe ra vào cảng vì lo ngại ô nhiễm môi trường khi trong cảng tập kết gỗ dăm. Người dân cho biết còn phát hiện bồn nước lớn, đề nghị công ty trả lời rõ đó là nước thải hay nước gì và nguồn gốc ở đâu.

Tại buổi đối thoại, 10 người dân xóm Hải Thịnh đã nêu các ý kiến về vấn đề hoạt động của doanh nghiệp cần đảm bảo môi trường lâu dài, sớm đền bù, thực hiện tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Ông Nguyễn Công Xuân (người dân xóm Hải Thịnh), đồng thời là đại biểu HĐND xã Nghi Thiết, cho rằng, chính quyền cũng như phía công ty cần giải quyết dứt điểm những kiến nghị của nhân dân, nhất là những kiến nghị từ các cuộc đối thoại trước. Tránh tình trạng để kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền đối với người dân.

Vụ dân chặn xe vào cảng biển: Yêu cầu làm rõ bồn nước lạ - 4

Ông Nguyễn Văn Chúc, Xóm trưởng xóm Hải Thịnh đề nghị phía công ty cần xem lại mối quan hệ với người dân địa phương (Ảnh: Nguyễn Duy).

Ông Nguyễn Văn Chúc, Xóm trưởng xóm Hải Thịnh đề nghị doanh nghiệp cần xem lại mối quan hệ với người dân địa phương, tránh tình trạng quan liêu khi tiếp nhận và trả lời các ý kiến phản ánh của người dân địa phương.

Trả lời các ý kiến, kiến nghị của người dân, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, cho biết việc đầu tư xây dựng và triển khai 2 dự án Trạm nghiền xi măng và Cảng biển Vissai đều được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý đầy đủ, có thủ tục đánh giá tác động môi trường.

Cảng biển Vissai là cảng biển hỗn hợp, quốc tế nên các hạng mục tập kết gỗ dăm, bột đá là được phép hoạt động. Hiện công ty đã có quan trắc môi trường tự động và có bảng hiện thị truyền về máy.

Ông Trị đề nghị phía công ty công khai kết quả quan trắc, thông tin kịp thời, tốt nhất là hàng ngày cho người dân ở các xóm, xã Nghi Thiết được biết. Về các vấn đề xây dựng bến neo đậu tàu thuyền, xây nhà văn hóa xóm, xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực dự án đã được đưa vào quy hoạch.

Trong đó, việc xây dựng khu tái định cư đã được UBND tỉnh Nghệ An giao cho huyện Nghi Lộc thực hiện. Các cơ quan chức năng phải cố gắng xây dựng trước ngày 31/10 để đến tháng 1/2024 sẽ hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng.

Vụ dân chặn xe vào cảng biển: Yêu cầu làm rõ bồn nước lạ - 5

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Ảnh: Nguyễn Duy).

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Oánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xi măng Sông Lam xin lỗi chính quyền và người dân địa phương khi để xảy ra tình trạng bức xúc cho bà con trong thời gian qua. Phía doanh nghiệp đang xây dựng trong phần đất của công ty.

Về câu hỏi của người dân phát hiện bồn nước nghi là nước thải trong cảng Vissai, ông Oánh khẳng định làm xi măng không có nước thải. Do nước nhiễm mặn không có nước nên công nhân chở nước từ ngoài về pha loãng ra để làm mát cho động cơ.

Bồn nước đó cũng để dùng cho sinh hoạt chứ không phải nước thải.

Về các kết quả quan trắc môi trường, ông Oánh cho biết, kết quả tự động truyền lên Sở Tài nguyên và Môi trường 24/24h để theo dõi, quản lý. Trong thời gian tới, công ty sẽ in các kết quả quan trắc môi trường gửi về cho các xóm, xã để người dân nắm bắt.

Cầu cảng Vissai số 1 dài 2.000m, được đưa vào vận hành từ tháng 10/2017, phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam.

Giai đoạn 2, cụm cảng này đang được xây dựng thêm 2 bến cảng tổng hợp, trở thành một cảng biển quốc tế đa dụng, có thể đón tàu 100.000 tấn cập cảng sau khi nạo vét luồng lạch.